Nông nghiệp, nông thôn là “cứu cánh” khi kinh tế suy thoái

Nông nghiệp, nông thôn là “cứu cánh” khi kinh tế suy thoái
Thảo luận tại hội trường sáng 5/6, nhiều đại biểu cho rằng, trong cơn suy thoái kinh tế thì nông nghiệp, nông thông chính là “hậu phương vững chắc”, là “cứu cánh” của nền kinh tế…
Phát biểu tại hội trường sáng nay về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nhận định, thời gian qua, trước cơn suy thoái kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thua lỗ, ngừng sản xuất, phá sản thì sản xuất nông nghiệp trong đó có doanh nghiệp, nông nghiệp, thủy sản tuy cũng gặp khó khăn nhưng vẫn trụ được.
 
“Nhiều vùng nông thôn lại trở thành hậu phương vững chắc cho lao động bị mất việc từ các thành phố và khu công nghiệp quay trở về. Nông nghiệp không chỉ nuôi sống toàn dân, xuất khẩu thu ngoại tệ lớn mà còn đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự xã hội... nếu như ta có chính sách và quản lý nông nghiệp, nông thôn một cách đúng đắn phù hợp. ” - đại biểu Hồ Thị Thuỷ nói.
 
Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp trong thời kỳ kinh tế khó khăn, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) khẳng định: “Mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn chúng ta cảm thấy vị trí, tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nhân dân”.
 
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang cũng nhận xét, lĩnh vực nông nghiệp đã có sự đóng góp trong những năm gần đây cho sự phát triển kinh tế của đất nước khoảng trên 20% GDP.
 
“Báo cáo của Chính phủ cũng đã thừa nhận ngành nông nghiệp trong thời gian qua đã đóng vai trò là ngành cứu cánh cho nền kinh tế nông nghiệp nước ta trong giai đoạn ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói.
 
Khẳng định Đảng, nhà nước đã nhất quán trong đường lối, xác định dành vị trí ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tuy nhiên, cũng như đa số các đại biểu phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, sự đầu tư trong thời gian qua từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này còn quá khiêm tốn, riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp khoảng 10% và “đầu tư như vậy không tương xứng, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.”
 
Trong khi đó, đại biểu Hồ Thị Thủy cũng đánh giá, nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vai trò quan trọng nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của nông dân rất thấp và không ổn định đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến bộ mặt nông thôn và vị thế của người nông dân.
 
“Nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế và chưa huy động được nhiều thành phần kinh tế và toàn xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực này… Đầu tư chưa hiệu quả, còn lãng phí dàn trải, chất lượng một số công trình hạ tầng cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Một số công trình, dự án đầu tư công không sử dụng được hoặc không phát huy được hiệu quả. Một số chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cho người dân còn hạn chế, chưa đi vào cuộc sống” - đại biểu Hồ Thu Thuỷ nói.
 
Với những phân tích về tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, nhiều đại biểu phân tích, cần phải đầu tư cho nông nghiêp, nông thôn và nông dân một cách hợp lý, hiệu quả hơn, nhất là trong vấn đề cơ chế tín dụng, tiếp cận nguồn vốn.
 
“Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là cần thiết để xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, cần có đột phá về chính sách để thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài” - đại biểu Hồ Thị Thuỷ (tỉnh Vĩnh Phúc) đề xuất.

 Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) phát biểu tại hội trường


Phi nông bất ổn

Phân tích những bất cập và đưa ra nhiều kiến nghị, một số đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề đất đai cho người nông dân.
 
Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, việc khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân tại Điều 70 Luật đất đai đang gây khó khăn trong việc mở rộng diện tích canh tác và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
 
Đại biểu tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ trình sớm sửa đổi Luật đất đai vào kỳ họp thứ 4 của Quốc hội để khắc phục những hạn chế bất cập quy hoạch lại việc sử dụng đất. Cần rà soát một cách chi tiết việc sử dụng đất đai trên phạm vi toàn quốc phải xác định cho được quỹ đất cơ bản dùng cho nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa.
 
“Cần thực hiện công bằng trong việc thu hồi đất, phải khẳng định chủ trương giao đất, thuê đất, ổn định lâu dài cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển quyền sử dụng đất yên tâm đầu tư phát triển sản xuất lâu dài” - đại biểu Thu Anh đề xuất.
 
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) phân tích: “Chủ trương của Đảng và nhà nước ta là phát triển nền nông nghiệp hiện đại, muốn làm được việc đó có rất nhiều yếu tố, song yếu tố đầu tiên là vấn đề đất đai”.
 
Theo đại biểu tỉnh Ninh Bình, phải hình thành vùng chuyên canh với diện tích đủ lớn cho việc đầu tư có hiệu quả, từ quy trình sản xuất, giống, đưa cơ giới hóa và giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Bắc… đã đem lại những lợi ích thiết thực và mở ra một hướng làm mới.”
 
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị nhà nước cần có chính sách “đủ mạnh” để nông dân tích cực dồn điền đổi thửa hình thành những cánh đồng mẫu lớn, tạo thuận lợi cho việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn để người nông dân hợp tác, liên kết với nhau được sản xuất trên chính mảnh đất của mình.
 
“Lợi ích từ việc dồn điền đổi thửa không chỉ dừng lại ở việc phát triển tần suất, nâng cao thu nhập mà còn khắc phục tình trạng sản xuất cá thể, manh mún, lạc hậu khó tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến và điều quan trọng là làm cho người nông dân tự tin hơn, khẳng định vị trí vai trò làm chủ của mình trên đồng ruộng của mình đối với tư liệu sản xuất chủ yếu của mình.” - đại biểu Thanh nói.
 
“Các đại biểu cứ hình dung người nông dân, hộ nông dân không cầm tư liệu sản xuất vĩnh viễn, phải chuyển nhượng, bán tư liệu sản xuất chủ yếu của mình trở thành người làm thuê trên chính thửa ruộng của mình thì tâm trạng và địa vị của họ sẽ ra sao?” - đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Theo tinmoi.vn