Nông thôn mới Lâm Đồng 3 năm nhìn lại
- Thứ tư - 30/01/2013 19:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
PV: Qua 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Lâm Đồng đã có nhiều đổi thay, phát triển. Xin ông khái quát về kết quả bước đầu đạt được trong triển khai Chương trình?
Ông Lê Văn Minh: Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ngoài xã Tân Hội, huyện Đức Trọng được chọn là một trong mười một xã điểm của cả nước thì năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2010-2020, triển khai trên toàn bộ 114/118 xã của tỉnh (4 xã nằm trong quy hoạch đô thị nên không thuộc chương trình) với mục tiêu đến năm 2015 có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia và đến năm 2020 là 99 xã. Qua 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã gặt hái được nhiều thành công đáng ghi nhận.
Về tổ chức chỉ đạo, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh và các huyện, thành phố các cấp đã thành lập kiện toàn đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả. Đối với cấp xã đã có 108/114 xã đã thành lập ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã làm trưởng ban, ban quản lý do đồng chí chủ tịch hoặc phó chủ tịch làm trưởng ban. Hầu hết các xã điểm, xã ưu tiên đầu tư giai đoạn 2010-2015 của tỉnh đã thành lập ban giám sát cộng đồng, ban phát triển thôn. Đến nay đã có 73/114 xã hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch chung. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, bưu điện, chợ, trường học, trạm xã… được quan tâm đầu tư phục vụ thiết thực cho đời sống và sản xuất của nhân dân. Đến hết năm 2012 trên địa bàn tỉnh có 12 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, 34 xã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí và 47 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí và 21 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
PV: Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại Lâm Đồng gặp những thuận lợi và khó khăn gì thưa ông?
Ông Lê Văn Minh: Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện nên các nguồn ngân sách tỉnh đã được phân bổ về cho các xã ưu tiên để thực hiện với mức 1 tỷ đồng trên một xã mỗi năm để đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo động lực trong quá trình huy động nguồn lực trong xây dựng NTM. Một thuận lợi nữa đó là thông qua mô hình điểm xã Tân Hội và 11 xã điểm của tỉnh đã giúp Ban Chỉ đạo các cấp đúc rút được nhiều bài học bổ ích để chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để các cơ quan chức năng của tỉnh điều chỉnh một số cơ chế, cách làm hiệu quả, phù hợp với lòng dân, đáp ứng quyền lợi thiết thực và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó tạo sự đồng tình, thống nhất cao trong tư tưởng và hành động của đội ngũ đảng viên, cán bộ và nhân dân trong tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Bên cạnh những thuận lợi thì trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM tại Lâm Đồng còn gặp một số khó khăn như: là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc khác nhau, cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ yếu với quy mô nhỏ, năng suất, chất lượng hiệu quả chưa cao, trình độ tổ chức sản xuất còn thấp, thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao; đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Trên địa bàn tỉnh ngoài huyện Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước thì còn có 29 xã và 97 thôn thuộc chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh. Một khó khăn nữa đó là, nhận thức chung về chủ trương xây dựng NTM trong một số cán bộ, nhân dân chưa sâu sắc, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, chưa thật sự năng động sáng tạo, chưa thực sự coi xây dựng NTM là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trình độ năng lực không đồng đều.
PV: Qua đó Lâm Đồng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì để thời gian tới thực hiện chương trình này hiệu quả hơn thưa ông?
Ông Lê Văn Minh: Trong thời gian tới cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và quần chúng nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công cuộc xây dựng NTM; tuyên truyền quán triệt các chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh đến người dân. Quán triệt đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội - chính trị của địa phương; gắn nhiệm vụ xây dựng NTM với các phong trào của các đoàn thể để biến chương trình xây dựng NTM thành một phong trào rộng khắp và có chiều sâu. Trong chỉ đạo điều hành cần vận dụng linh hoạt sáng tạo chủ trương, chính sách của Trung ương vào điều kiện thực tế của địa phương; có sự kết hợp chặt chẽ thường xuyên giữa chính quyền các cấp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong triển khai thực hiện cần đảm bảo tính công khai minh bạch để người dân được bàn bạc, thống nhất trước khi triển khai đề án và các nội dung công việc cụ thể. Cần phát huy vai trò làm chủ của người dân trong đầu tư cơ sở hạ tầng từ việc lập kế hoạch xây dựng, tổ chức thi công giám sát, duy tu bảo dưỡng công trình. Tạo mọi điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân chọn, dân kiểm tra giám sát và dân hưởng lợi từ công trình. Chú trọng việc xây dựng, nhân rộng mô hình điểm. Tập trung đầu tư đẩy mạnh sản xuất, thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân nâng cao thu nhập bền vững để từ đó có điều kiện phát huy nội lực xây dựng NTM. Trong thực hiện không được chủ quan, nóng vội, không chạy theo thành tích, nhưng phải quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra.
PV: Trong thời gian tới, Lâm Đồng tập trung vào những tiêu chí mũi nhọn nào không thưa ông?
Ông Lê Văn Minh: Trong 19 tiêu chí tuy không xem nhẹ tiêu chí nào nhưng cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, có bước đi lộ trình phù hợp. Tại Lâm Đồng, chúng tôi xác định tiêu chí số 1 đó là công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Hoàn thành công tác quy hoạch để có hướng đi đúng vừa làm cơ sở để triển khai thực hiện. Tiêu chí tiếp theo cần ưu tiên thực hiện đó là tiêu chí về thu nhập (tiêu chí thứ 10). Nâng cao thu nhập bình quân đầu người để người dân có điều kiện đóng góp xây dựng NTM. Tiếp đến là ưu tiên các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội như: giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm xã… để phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống thiết yếu của người dân.
PV: Giải pháp nào để đẩy nhanh thực hiện chương trình, hoàn thành những mục tiêu trước mắt, lâu dài mà tỉnh đã đề ra?
Ông Lê Văn Minh: Trong thời gian tới chúng tôi chỉ đạo cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương trong phong trào xây dựng NTM. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, tiếp tục bám sát địa bàn chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng NTM. Tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân để họ có điều kiện tự nguyện đóng góp xây dựng NTM. Trong thời gian tới chúng tôi lựa chọn quyết định ưu tiên đầu tư những công trình theo nhu cầu bức thiết của nhân dân. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong xây dựng NTM. Ngoài nguồn vốn trực tiếp từ ngân sách cho chương trình cần lồng ghép các nguồn vốn các chương trình, dự án khác trên địa bàn. Tăng cường công tác thi đua khen thưởng, dân vận khéo trong xây dựng NTM. Biểu dương, khen thưởng động viên kịp thời những đơn vị làm tốt, kiểm tra giám sát để giải quyết khó khăn cho đơn vị cơ sở.
PV: Xin cảm ơn ông!
DUY NGUYỄN (thực hiện)
Theo baolamdong.com.vn