Nông thôn mới “đuổi” đói nghèo

Nông thôn mới “đuổi” đói nghèo
Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 14%, chỉ sau một thời gian ngắn được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đã “hạ” được tới 50% số hộ nghèo.

Xóa nhà tạm

Ông Dương Văn Giang- Chủ tịch UBND xã Đại Thành phấn khởi nói: “Trước khi bắt tay xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo ở Đại Thành vẫn còn trên 14% (hơn 400 hộ). Song hiện tại, toàn xã chỉ còn 197 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ chưa đầy 7% tổng số hộ toàn xã”. Vì cái nghèo đeo đẳng, mà từ nhiều năm qua ước mơ về một mái nhà đối với bà con ở Đại Thành còn rất xa vời.

Bộ mặt nông thôn xã Đại Thành đang đổi thay từng ngày.

Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng đó của bà con, năm 2011, xã Đại Thành đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho bà con vay vốn xây nhà với 28 căn được xây mới, nâng tổng số nhà đạt chuẩn NTM lên 2.134 căn (đạt 75,4%), giảm số nhà không đạt “3 cứng” còn 696 căn.

Ông Giang khẳng định: “Dù làm gì, nhưng trong xây dựng NTM, việc xây nhà để cho bà con an cư bằng việc tập trung xây dựng nhà cửa cho bà con yên tâm. Do đó, đến nay ở Đại Thành đã cơ bản không có nhà tạm, dột nát”.

Từ thành công này, Đại Thành đã tiếp tục tập trung vào xây dựng các tiêu chí NTM khác. Tính đến thời điểm này, Đại Thành đã đạt 11 tiêu chí và theo kế hoạch đề ra đến cuối năm nay, xã sẽ hoàn thành thêm 5 tiêu chí nữa, nâng tổng số tiêu chí mà xã đạt được lên 16. Ông Giang khẳng định: “Chúng tôi đang phấn đấu cuối năm 2013, sẽ hoàn thành 19 tiêu chí để được công nhận xã NTM”.

Vươn lên làm giàu

Bên cạnh việc xây dựng nhà cửa, hạ tầng cho người dân, một điều quan trọng đang được Đại Thành tập trung chỉ đạo, đó là phát triển sản xuất thông qua việc khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả.

Cụ thể, xã đã phối hợp với ngành khuyến nông – khuyến ngư hướng dẫn người dân thay đổi cơ cấu sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tính đến thời điểm này, Đại Thành đã đạt 11 tiêu chí và theo kế hoạch đề ra đến cuối năm nay, xã sẽ hoàn thành thêm 5 tiêu chí nữa như: Giao thông, chợ nông thôn, bưu điện, môi trường, điện nông thôn, nâng tổng số tiêu chí mà xã đạt được lên 16.

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan - hội viên Hội Phụ nữ ấp Sơn Phú cho biết: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn như thế, gia đình tôi đã thay đổi được tập quán sản xuất, nhất là về chăn nuôi, nên đến nay gia đình đã cơ bản có thu nhập ổn định”. Hiện gia đình chị Loan luôn có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm nhờ nuôi heo, nấu rượu.

Bên cạnh mô hình chăn nuôi có hiệu quả của chị em Hội Phụ nữ, các hội viên Hội Nông dân xã còn triển khai mô hình trồng cây ăn trái đa canh hiệu quả cao. Chỉ trong năm 2011, toàn xã đã có trên 1.170 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi với mức thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.

Ông Bùi Văn Tứ, ở ấp Ba Ngàn A, bắt đầu trồng cam sành cách nay 10 năm và cho khoản thu nhập cao, là một trong những hộ như vậy. Ông Tứ cho biết: “Trồng cam sành rất dễ kiếm tiền, vì cho thu nhập quanh năm, như nhà tôi diện tích chỉ có 6 công, nhưng thu nhập bình quân lúc nào cũng đạt khoảng 100 triệu đồng/năm”. Ngoài diện tích cam sành cho trái, ông Tứ đang cải tạo thêm 6 công đất còn lại để phát triển các loại cây ăn trái khác.

Theo danviet.vn