"Nông thôn mới giúp nông dân làm ra nhiều tiền hơn"

"Nông thôn mới giúp nông dân làm ra nhiều tiền hơn"
“Nông thôn mới là để giúp cho nông dân làm ra nhiều tiền hơn ngay trên mảnh đất của mình”, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Báo Đáp (Trấn Yên, Yên Bái), nói như vậy khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đi khảo sát tại địa phương vào chiều 26/9.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tới thăm Nhà máy sản xuất ván ép Đăng Khoa, tại xã Báo Đáp. Ảnh: VGP/Thành Chung

Tuy không phải xã làm điểm nông thôn mới của tỉnh Yên Bái nhưng xã Báo Đáp đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Báo Đáp, cho biết quan điểm của chính quyền khi tổ chức làm nông thôn mới là để xác định giúp các hộ dân làm ra được nhiều tiền hơn ngay trên mảnh đất của mình.

Tại các khu vực sản xuất nông nghiệp ở Báo Đáp đều thấy người dân đang tập trung sản xuất các giống cây trồng chất lượng cao (lúa, chè Bát Tiên, dâu nuôi tằm) phù hợp với thổ nhưỡng, bảo đảm giá cao, năng suất ổn định. Trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hộ dân sản xuất ở các ngành hàng chế biến nông sản, gỗ rừng trồng, khai thác vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải…

Gia đình anh Nguyễn Văn Vinh (44 tuổi, ở Thôn 12) là điển hình cho 60 hộ dân trong xã, đã khấm khá lên nhờ trồng dâu nuôi tằm. Anh Vinh cho biết, mỗi năm nghề này đạt lợi nhuận từ 70-80 triệu đồng/1 mẫu trồng dâu/hộ. Trong khi đó diện tích trồng dâu của cả xã hiện là 15 ha.

“Con giống và sau này sản phẩm là kén và tơ đều được doanh nghiệp trong vùng bao tiêu bằng hợp đồng cho chúng tôi”, anh Vinh báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khi Phó Thủ tướng đến thăm gia đình anh.

Nhờ trồng dâu nuôi tằm có lợi hơn trồng lúa, Chủ tịch UBND xã Báo Đáp Trần Quang Trung cho biết sẽ hướng dẫn nông dân chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang trồng dâu để tăng lợi nhuận.

Trong đào tạo nghề để chuyển đổi cơ cấu lao động, xã Báo Đáp không đào tạo nhiều nghề mà tập trung đào tạo những nghề “chỉ nông thôn có, chỉ nông thôn cần” như sản xuất rau an toàn, chăn nuôi lợn, may mặc… Hình thức đào tạo là “cầm tay chỉ việc”, tổ chức tập huấn cho 150 nông dân.

Bên cạnh đó, nông dân ở Báo Đáp cũng góp công, góp của để cùng với Nhà nước làm đường giao thông liên thôn. Năm 2012 toàn xã hoàn thành 10,3km đường, trị giá trên 17 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 7,1 tỷ đồng), hiến tặng hàng trăm m2 đất để mở rộng đường trong điều kiện đất nông nghiệp hạn hẹp.

Làm việc với lãnh đạo UBND xã, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận những cách làm hay mà một xã không thuộc diện xã “điểm” như Báo Đáp đang thực hiện, đã từng bước thay đổi cuộc sống người nông dân. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo xã, vấn đề cốt lõi của nông thôn mới vẫn là quy hoạch và cơ cấu lại sản xuất để người nông dân khai thác được lợi thế của địa phương để làm giàu cho gia đình.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đang nghiên cứu những mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân và hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt, tạo ra chuỗi giá trị cao cho các bên.

Sau cùng, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Yên Bái cũng phải hỗ trợ cấp huyện, xã trong việc gắn kết nhu cầu thị trường của vùng với tiềm năng và năng lực sản xuất của mỗi địa phương. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Yên Bái cần nghiên cứu phương thức giao cho nhân dân tổ chức xây dựng các công trình hạ tầng để tiết kiệm chi phí, tăng cường tính giám sát, chất lượng của công trình.

Phó Thủ tướng cũng giao cho các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét sửa các quy định về báo cáo quyết toán, để tránh gây phiền hà cho nông dân.

Thành Chung
Nguồn baodientu.chinhphu.vn