Nông thôn mới không chỉ làm hạ tầng

Nông thôn mới không chỉ làm hạ tầng
Việc triển khai xây dựng nông thôn mới cũng được các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát tại nghị trường QH.
Nhiệm vụ tới năm 2015 đặt ra là có 20% số xã đạt cả 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tương đương 1.815 xã. Tuy nhiên, không chỉ một số xã này mà các xã khác cũng phải có số tiêu chí đạt ở mức cao hơn. Với nỗ lực to lớn của cả Trung ương, địa phương, Nhà nước và nhân dân, đến hết năm 2012 đã có gần 200 xã đạt 19 tiêu chí, bình quân toàn quốc đã đạt 6,41 tiêu chí, tăng 1,13 tiêu chí so với năm 2011.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, có 3 biện pháp cần tập trung xây dựng nông thôn mới là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; hoàn thành quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới và lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ hộ nông dân, thôn, xóm và các xã thực hiện các nội dung ưu tiên như phát triển sản xuất, thực hiện các tiêu chí không phải là về cơ sở hạ tầng. 

“Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình”, Bộ trưởng nói.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nêu thực tế, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các ngành, địa phương đang quá tập trung vào việc thực hiện các chỉ tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức đến việc giúp người dân thay đổi phương thức, tập quán sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đây mới thực sự là vấn đề bản chất giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới thành công.

Vậy, Bộ trưởng đánh giá thế nào về nhận xét này. Với cương vị là Thường trực Chương trình, Bộ trưởng thấy tới đây cần chỉ đạo và có những giải pháp gì để xây dựng nông thôn mới thành công, có hiệu quả và đặc biệt tiết kiệm được nguồn lực trong tình hình khó khăn hiện nay? 

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận có tình trạng quá tập trung vào cơ sở hạ tầng như đại biểu nêu. 

“Giải pháp cho tình trạng này, chúng tôi đã đề nghị các địa phương phải khẩn trương thực hiện việc xây dựng quy hoạch về sản xuất của từng xã một, với tinh thần mỗi xã rà soát để lựa chọn ra 1 đến 3 sản phẩm chủ lực là lợi thế của địa phương mình. Chúng tôi đã nói rõ thế nào là lợi thế, đó là nuôi trồng ở địa phương mình năng suất cao hơn và giá rẻ hơn so với địa phương khác, sản phẩm phải biết rõ thị trường thì mới hướng dẫn nông dân sản xuất, có tiến bộ kỹ thuật để giúp cho nông dân sản xuất hiệu quả cao, tập trung nỗ lực vào làm thật tốt những sản phẩm được lựa chọn”, Bộ trưởng nêu giải pháp. 

Bộ trưởng cho biết, tỉnh Quảng Ninh triển khai khá hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo đó, sau khi đã lựa chọn rồi thì cách làm là tập hợp cán bộ khoa học kỹ thuật hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình, vận dụng chương trình đào tạo nghề cho nông dân để hướng dẫn và đào tạo nông dân, hỗ trợ về vật tư cũng như tín dụng để nông dân có thể áp dụng kỹ thuật mới trên diện rộng.
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn