Nông thôn mới ở Quảng Trị: Tìm giải pháp phát triển khu vực miền núi, bãi ngang

Nông thôn mới ở Quảng Trị: Tìm giải pháp phát triển khu vực miền núi, bãi ngang
Sau 3 năm (2011-2014) thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên ở miền núi và bãi ngang ven biển thực tế cho thấy địa phương này đang gặp khó khăn. Quảng Trị đang nỗ lực tìm hướng phát triển Nông thôn mới cho 2 vùng trên.
 
 
 
Bộ đội giúp bà con miền núi phát triển cà phê, tổ chức lại sản xuất
 
Miền núi đạt tiêu chí thấp
 
Địa bàn miền núi Quảng Trị gồm hai huyện Hướng Hóa, ÐaKrông và một phần thuộc huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, có 47 xã, thị trấn, trong đó có 20 xã và 29 thôn đặc biệt khó khăn. Vùng bãi ngang ven biển Quảng Trị có 7 xã, 34 thôn.
 
Ông Phạm Văn Hùng-Phó Chủ tịch huyện-Phó Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện miền núi Đakrông luôn trăn trở tìm hướng đột phá cho cuộc vận động xây dựng NTM ở địa phương này. Phân tích điều kiện tự nhiên, xã hội của Đakrông, ông Hùng cho biết toàn huyện có hơn 3,8 vạn dân, trong đó người Vân Kiều, Pa Cô chiếm hơn 75% dân số, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 35%. Thế mạnh kinh tế của huyện là nông-lâm kết hợp và chăn nuôi. Sau ba năm nỗ lực cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc xây dựng NTM, kết quả tại vùng kinh tế mạnh nhất huyện như xã Hải Phúc, Ba Lòng và Triệu Nguyên cũng chỉ đạt được kết quả từ 5 đến 7 tiêu chí. 9/13 xã còn lại rất khó khăn, chỉ đạt dưới 05 tiêu chí.  
 
So với huyện Đakrông, xây dựng NTM ở huyện miền núi Hướng Hóa khả quan hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa- ông Võ Thanh thừa nhận quá trình xây dựng NTM ở Hướng Hóa đang gặp không ít khó khăn, đó là tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện còn ở mức cao 21,4%, trong đó có 6/22 xã có tỷ lệ nghèo trên 50%. Phần lớn các xã đều sản xuất nông nghiệp nên lực lượng lao động làm việc thường xuyên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là chính, chiếm hơn 80%, cao hơn nhiều so với chuẩn quy định là 35%. Do đó để đạt những tiêu chí xây dựng NTM thực sự là bài toán khó.
 
Bãi ngang khó khăn nhiều hơn thuận lợi
 
Còn với 7 xã  bãi ngang ven biển Quảng Trị kết quả đạt được cũng rất khiêm tốn. Xã Vĩnh Thái của huyện Vĩnh Linh có chiều dài bờ biển gần 15 km. Đời sống người dân chủ yếu là nghề đánh bắt thủy sản. Chủ tịch xã Vĩnh Thái, ông Vũ Văn Phong cho biết qua 3 năm xây dựng NTM, Vĩnh Thái được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của tỉnh, huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn xã nên việc thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo kịp thời, đúng đối tượng. Người dân sẵn sàng hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng NTM nên đã đem lại kết quả rõ nét. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-2%, hộ cận nghèo giảm từ 3-5%. Đến nay xã Vĩnh Thái đã hoàn thành 10/19 tiêu chí.
 
Vĩnh Thái thuộc bãi ngang nên chủ yếu là sản xuất ngư nghiệp, sản xuất tự phát còn khá phổ biến, hiệu quả thấp, luôn bị ảnh hưởng thiên tai, bão lớn tàn phá, thường xuyên đối mặt với những khó khăn. Phương tiện đánh bắt thủy sản nhỏ, chỉ khai thác thủy hải sản ven bờ nên thu nhập thấp, việc huy động trong dân đóng góp xây dựng NTM cũng chừng mực. Ông Phong đề nghị huyện và tỉnh cũng như các doanh nghiệp quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi cho Vĩnh Thái để sớm hoàn thành các tiêu chí.  
 
Rà soát quy hoạch, tổ chức lại sản xuất 
 
Với vùng bãi ngang ven biển, ông Nguyễn Văn Bài - GĐ Sở NN-PTNT-Phó Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị chia sẻ rằng các xã biển bãi ngang thực sự gặp khó khăn trong công tác xây dựng NTM. Lối ra đầu tiên cho các xã này, theo ông Bài là phải rà soát lại quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, gắn với chế biến, nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ để không ngừng giải quyết việc làm cho dân. Cần tổ chức ngư dân thành các nhóm khai thác thủy sản, chú trọng đánh bắt xa bờ, tổ chức đội tàu khai thác phù hợp. Cố gắng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch biển như tạo dịch vụ cho du khách câu cá, chế biến, thưởng thức các đặc sản từ biển. 
 
Kiểm tra kết quả xây dựng NTM vùng bãi ngang ven biển Quảng Trị mới đây, ông Lê Huy Ngọ, cố vấn BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM chia sẻ, tìm hướng phát triển NTM các xã biển bãi ngang, ven biển được Trung ương rất quan tâm. Với Quảng Trị qua thực tế cho thấy, vấn đề là giải quyết lao động cho ngư dân. Ông Ngọ nhấn mạnh trong việc tổ chức lại sản xuất cho các xã biển bãi ngang phải đặt ra việc khai thác, đánh bắt và chế biến, tiêu thụ thủy hải sản lên đầu. Phải lo trường học, trạm xá trước cho dân. Cần phải có sự điều tra, khảo sát thực tế khoảng cách giữa quy hoạch với thực tiễn xây dựng để điều chỉnh lại phù hợp cho các xã  bãi ngang ven biển. 
 
Bên cạnh một số khó khăn đó thì hiện nay, chương trình xây dựng NTM ở Quảng Trị đã trở thành một cuộc vận động với quy mô lớn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hiện trạng NTM tất cả các xã ở Quảng Trị có nhiều biến chuyển rõ nét so với cuối năm 2010, bình quân các xã tăng từ 3-4 tiêu chí, có 20 xã tăng từ 7 tiêu chí trở lên. Điều quan trọng là các xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2010- 2015 của tỉnh và huyện đều có mức tăng tiêu chí khá cao, mỗi năm trên 2 tiêu chí. Cuối năm 2014, sẽ có 3 xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy và Vĩnh Thạch về đích.
 
Con người và yếu tố văn hóa làm nên sức bật
 
Để cuộc vận động xây dựng NTM ở miền núi Quảng Trị đạt kết quả khả quan hơn phải làm bằng cách nào? Trả lời câu hỏi đó, bà Ly Kiều Vân- Bí thư Huyện ủy Đakrông- Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho biết mục tiêu lớn nhất của NTM là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn. Vậy, nhiệm vụ đầu tiên xây dựng NTM miền núi là phải xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững để nâng cao đời sống cho bà con dân tộc ít người. Vấn đề mang tính quyết định trong xây dựng TNM ở miền núi là phải tập trung tuyên truyền hơn nữa để mỗi người dân hiểu được, thấy được chương trình là cuộc vận động lớn, có nghĩa sâu sắc, người dân là chủ thể của quá trình xây dựng và phát triển NTM. 
 
Vấn đề nữa, theo bà Vân là phải đào tạo ra được con người có kiến thức tạo động lực cho cộng đồng, xã hội trong phát triển sản xuất, khuyến khích động viên bà con không ngừng vươn lên. Và đến khi hết nghèo thì tìm cách giúp bà con phát triển kinh tế, làm cho đời sống ngày càng cao hơn. Muốn bà con biết nhiều mô hình sản xuất trong thế mạnh kinh tế nông - lâm kết hợp thì nên chú trọng đào tạo nghề,chuyển giao tiến bộ KHKT cho các gia đình, cộng đồng xã. Phải lấy truyền thống văn hóa và tiềm năng của mỗi địa phương để tạo hướng đột phá có sức bật lớn.  
Quang Huy
Nguồn daidoanket.vn