Nông thôn mới trên vùng đất thép

Tuyến đường liên xã lớn nhất ở Long Khánh. Ảnh: VGP/Nguyệt Trinh

Tuyến đường liên xã lớn nhất ở Long Khánh. Ảnh: VGP/Nguyệt Trinh

40 năm sau ngày giải phóng (21/4/1975-21/4/2015), thị xã Long Khánh từ vùng đất bị tàn phá vì chiến tranh nay đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại, dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, có tuyến đường liên xã lớn nhất cả nước, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Khung cảnh Long Khánh sau 40 năm giải phóng đã xóa mờ dấu tích của vùng đất chiến trường ác liệt. Những cựu chiến binh ngày ấy vẫn nhớ như in những trận đánh trong chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh và nhớ về đồng đội không còn được chứng kiến Ngày Chiến thắng, chứng kiến quê hương thay da đổi thịt cùng đất nước... Chiến thắng Xuân Lộc-Long Khánh năm 1975 được xem là dấu mốc quan trọng, mở toang “cánh cửa thép” phòng ngự của quân đội Việt Nam Cộng hòa cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đội biệt động đặc biệt Những cựu chiến binh của Đội biệt động (ĐBĐ) Long Khánh - đội biệt động vũ trang cách mạng đặc biệt, tham gia giải phóng Xuân Lộc và Long Khánh, nay đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng họ vẫn nhớ như in về một thời gian khổ, hy sinh, đặc biệt là 12 ngày đêm chiến đấu giải phóng Long Khánh cách đây 40 năm. CCB Phạm Thanh Mừng, Đội trưởng ĐBĐ Long Khánh năm xưa, người trực tiếp chỉ huy trận tập kích tiểu khu tình báo 33 ngụy kể lại, trận tập kích là một trong các trận đánh hay của Đội, tiêu diệt được đầu não tình báo gián điệp của tiểu khu 33. Do nắm chắc địch, lại thông thạo địa hình, ĐBĐ Long Khánh đã vận dụng cách đánh bất ngờ, táo bạo, đánh nhanh, rút nhanh, địch không kịp trở tay. Chiến thắng này đã phá tan âm mưu đánh phá cơ sở cách mạng và bình định của địch, góp phần đưa phong trào cách mạng của địa phương đi lên. Cũng từng là Đội trưởng ĐBĐ Long Khánh, ông Đào Bá Lượng, người tham gia nhiều trận đánh lớn trong kháng chiến chống Mỹ nhắc về những ngày tháng 4/1975 lịch sử. Ông Lượng kể lại một trong những trận đánh mà ông nhớ nhất, đó là trận tấn công đồn Bốn Thước trên đoạn đường xe lửa qua Suối Rết (nay là ấp Ruộng Lớn, xã Bảo Vinh). Đây là một vị trí trọng yếu bảo vệ Tòa hành chính tỉnh Long Khánh nên địch xây dựng rất kiên cố với nhiều lô cốt chìm nổi, hàng rào kẽm gai, giao thông hào, mìn... nên việc điều nghiên chuẩn bị cho trận đánh rất khó khăn và nguy hiểm. Khi trinh sát, ta chỉ quan sát thấy 5-6 xe tăng của các đơn vị địch như Sư đoàn 18 ngụy, Trung đoàn 52 và đồn bảo an chốt giữ ngay tại thị xã Long Khánh. Nhưng khi chủ lực của ta vào đánh thì địch có đến vài chục xe tăng khiến cuộc chiến đấu trở nên giằng co ác liệt. Được lệnh của trên, ĐBĐ đã áp sát dùng lựu đạn để giải quyết nhanh chiến trường. Nhờ vậy, toàn bộ đồn Bốn Thước bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho chủ lực của ta tiến vào giải phóng Long Khánh. Chỉ trong vòng 9 năm hoạt động (1966-1975), ĐBĐ Long Khánh đã tham gia đánh 292 trận lớn, nhỏ trên địa bàn Long Khánh, tiêu diệt và làm bị thương hơn 4.400 tên địch, trong đó diệt gọn 1 đại đội pháo, 4 trung đội bộ binh, 2 trung đội dân vệ, 1 trung đội bảo an, 1 trung đội thám sát tiểu khu. Năm 1976, ĐBĐ Long Khánh được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Đất thép xanh màu cây trái Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải cho biết, sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đã bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực xây dựng thị xã vươn lên về mọi mặt. Trong 5 năm thực hiện xây dựng NTM (2009-2014), thị xã đã đầu tư trên 3.220 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng (ngân sách chỉ chiếm 25%). Riêng nguồn vốn xã hội hóa do người dân và doanh nghiệp đóng góp trên 110 tỷ đồng. Trong 19 tiêu chí NTM ở Long Khánh, nổi bật nhất là tiêu chí giao thông nông thôn do được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh. Từ năm 2009 đến nay, thị xã đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa trên 194 km đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí đầu tư trên 480 tỷ đồng, trong đó huy động trong dân khoảng 200 tỷ đồng. Nói về kinh nghiệm đạt được, ông Nguyễn Văn Nải cho biết địa phương đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, công tác dân vận ở cơ sở, qua đó nhân dân hiểu rõ và tích cực tham gia. Còn Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thị xã Long Khánh Lê Văn Thư chia sẻ, năm 2009, năm đầu tiên thực hiện NTM, thu nhập bình quân ở thị xã Long Khánh là 13,8 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2014, thu nhập bình quân đã đạt 38,6 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, nhờ chương trình xây dựng NTM, các hộ nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Nhiều loại cây trồng trên địa bàn cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha. Song song với mục tiêu xây dựng NTM, Long Khánh cũng đang nỗ lực phát huy thế mạnh nhằm thúc đẩy thương mại, dịch vụ nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản. Hiện Long Khánh đang có nhiều doanh nghiệp mạnh, tổ chức xuất khẩu nông sản trực tiếp sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU. Thị xã đang hình thành những vùng sản xuất tập trung, như vùng cây chôm chôm, ổi, hạt tiêu, cà phê, mít... Cùng với Xuân Lộc, Long Khánh là 1 trong 2 huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai và cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngày 24/1 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã vinh dự đón nhận Bằng công nhận danh hiệu “Huyện nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ trao. Vùng đất thép năm xưa đang hình thành một diện mạo mới trên nền tảng mới.
Nguyệt Trinh
Theo Báo Chính Phủ