Nông thôn mới và “bài thuốc” trị bệnh thành tích

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW khóa X. Được đánh giá là Nghị quyết toàn diện nhất về nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ trước tới nay. Được bà con nông dân và cả cộng đồng xã hội đồng tình hưởng ứng. Qua tiếp xúc nhân dân nhiều địa phương, có thể khẳng định, đây là chủ trương mà ý Đảng hòa vào lòng Dân.
Nông thôn mới và “bài thuốc” trị bệnh thành tích

Sau 6 năm thực hiện, nhiều vùng nông thôn đã thay da đổi thịt: hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu từng bước được hoàn thiện, nâng cấp, đời sống đa số người dân ở nông thôn được cải thiện, hộ nghèo giảm, nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy, tình làng nghĩa xóm được vun đắp, ý thức trách nhiệm của người dân và cán bộ được nâng lên, tâm lý trông chờ ỷ lại giảm...

Mặc dù đạt những kết quả quan trọng nhưng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Có thể liệt kê những hạn chế cơ bản: chưa chú trọng đầu tư thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng đời sống văn hóa và bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức; thực hiện nội dung ở cấp thôn và hộ gia đình chưa được xác định đúng vị trí; nhiều địa phương chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng chi trả; nhiều nơi, việc thẩm tra, đánh giá chất lượng tiêu chí còn xuề xòa… Những hạn chế này đã làm giảm hiệu quả của Chương trình.

Nói về điều này, GS.TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng, nông thôn mới chưa thực sự đi qua cổng nhà dân. Bên trong khuôn viên của hộ gia đình chưa rõ dấu ấn của chương trình nông thôn mới.

Nhằm loại bỏ những hạn chế cản trở tiến trình xây dựng nông thôn mới, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, việc xét, công nhận, công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện thường xuyên, liên tục hàng năm, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, đúng điều kiện, trình tự, thủ tục và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về điều kiện công nhận, xã (huyện, thị xã, thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới, phải đảm bảo 3 điều kiện: 1- Có đăng ký xã (huyện, thị xã, thành phố)  đạt chuẩn nông thôn mới và được UBND cấp huyện (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đưa vào kế hoạch thực hiện; 2- Có 100% tiêu chí thực hiện trên địa bàn xã đạt chuẩn theo quy định (với cấp huyện, thị xã, thành phố thì phải có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định) ; 3- Không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới (theo báo cáo của Chính phủ tại Uỷ ban Thụ vụ Quốc hội, nợ đọng xây dựng cơ bản của chương  trình ở mức 15.000 tỷ đồng).

Việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ với điều kiện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới có lẽ là “bài thuốc” đặc trị đối với “bệnh thành tích” của chương trình đặc biệt quan trọng này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, con người là yếu tố quan trọng nhất bởi nếu còn xuề xòa, châm chước trong kiểm tra đánh giá thì kết quả sẽ vẫn không như mong đợi. Nhiều chuyên gia đề nghị, cần có sự tham gia của người dân, vì họ là chủ thể của chương trình và thực hiện kiểm tra đánh giá chéo giữa các địa phương.

Hy vọng, với những quy định mới, bệnh thành tích trong xây dựng nông thôn mới sẽ không còn. 

                                                   Theo Thanh Hiền/kinhtenongthon.com.vn