Nụ cười trên Cánh đồng mẫu lớn

Nụ cười trên Cánh đồng mẫu lớn
Tham gia Cánh đồng mẫu lớn (CĐML), đời sống người trồng lúa có những thay đổi rõ rệt. Ở một số nơi, mô hình này đang từng bước giúp người nông dân thoát nghèo.

Học hành “ngon lành” nhờ CĐML

Ở ấp Cầu Tre (xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh), gia đình ông Thạch Minh được xem là gia đình “nổi tiếng” nhất. So với nhiều nông dân trong CĐML diện tích 300ha ở Cầu Tre, gia đình ông Minh sở hữu 1ha, chỉ thuộc diện trung bình. Thế nhưng, ông Minh nổi tiếng vì cả 4 người con đã và đang học ngành y là Minh Suchanhni (vừa tốt nghiệp bác sĩ), Minh Sotharxy, Minh Bona và Minh Mari.

“Xã có 63% dân số là đồng bào Khmer, lâu nay ít người học ngành y nên gia đình ông Minh là gia đình đặc biệt, là tấm gương cho các em học sinh trong xã” – ông Trần Minh Em – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần nhận xét.

Nông dân trong CĐML xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, An Giang cùng nhau ra đồng.

Theo lời ông Thạch Minh, ông tham gia mô hình “Cùng nông dân ra đồng” do Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang triển khai ở đây từ năm 2007, mô hình này về bản chất cũng chính là mô hình CĐML mà xã Phú Cần phát động năm 2011. “Hồi chưa tham gia mô hình, tôi làm lúa giỏi nhất nhì ở ấp Cầu Tre nhưng chỉ đạt 3 – 4 tấn/ha. Từ năm 2007 tới nay, nhờ có lực lượng kỹ sư hỗ trợ kỹ thuật, năm nào tôi cũng trúng lúa bể bồ. Vụ đông xuân năm nay, tôi thu hoạch 11 tấn, trừ chi phí lãi 36 triệu đồng” – ông Minh chỉ vào sổ ghi chép và nói.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Tổng Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, 845 kỹ sư nông nghiệp của công ty hiện đang bám đồng hỗ trợ nông dân làm CĐML. Trong kế hoạch nâng cao giá trị hạt gạo, công ty này sẽ phát triển lực lượng kỹ sư lên khoảng 1.000 người trong năm 2013, đến năm 2018 là 5.000 người và mô hình CĐML sẽ phủ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 360.000ha.

Tại CĐML Mỹ Thạnh Đông (huyện Đức Huệ, Long An), các nông dân trong mô hình cũng “thắng lớn” với giống lúa đạt chuẩn GlobalGAP. Mô hình này do GS - TS Võ Tòng Xuân phối hợp cùng Công ty ITA Rice (Long An) hỗ trợ nông dân. Ông Lê Văn Do – người có 2,5ha trong mô hình cho biết, vụ đông xuân 2012 ông lãi 80 triệu đồng, vụ hè thu lãi 50 triệu đồng. Mức lãi này trước đây không ai dám nghĩ tới bởi Mỹ Thạnh Đông là vùng đất phèn nặng. Với thu nhập này, 2 đứa con đang học đại học của ông Do không phải lăn tăn chuyện học phí.

Hàng trăm nông dân ở các xã Thoại Giang, Vọng Thê, Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn, An Giang) cũng liên tục trúng lớn với CĐML, con em họ học hành đàng hoàng. Nhắc đến CĐML, ông Hai Trường (ấp Tân Bình, Thoại Giang) có chút tiếc rẻ: “CĐML mà triển khai sớm thì tui đâu có bán đất nuôi con đi học. Hồi đó thu nhập bấp bênh, vợ chồng tui đứt ruột bán 1,5ha đất để con đeo đuổi việc học. Giờ tham gia CĐML, con nít trong xóm học hành ngon lành mà cha mẹ không phải lo bán đất vì vụ nào cũng trúng mùa…”.

Khỏe như… nông dân

Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, các CĐML đang được triển khai tại tỉnh này giúp cho nông dân có thu nhập tốt hơn. Theo tính toán, mỗi ha sản xuất trong CĐML, chi phí đầu vào giảm trên 2 triệu đồng so với sản xuất nhỏ lẻ. Trong khi đó, hạt lúa khi thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường 5 – 10% nên đồng lời của nông dân cao hơn.

Vụ hè thu năm nay, Long An đã có 5.000ha lúa trong mô hình CĐML và sẽ tiếp tục mở rộng trong các vụ tới. Ông Võ Phi Đông - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuyên Thạnh (huyện Mộc Hóa, Long An) cho biết, năng suất lúa tại CĐML xã này đạt xấp xỉ 10 tấn/ha và được Công ty Lương thực Long An mua giá cao hơn thị trường 100-150 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi.

Tại CĐML rộng 210ha ở xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng, Long An), Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đưa lực lượng kỹ sư ra đồng cùng nông dân, lo từ đầu vào đến đầu ra của hạt lúa nên nông dân trồng lúa thảnh thơi hơn trước. “Trước đây, nông dân hay lo chuyện bị ép giá. Giờ thì chúng tôi cứ ăn chắc “3 bó vô 1 giạ” vì từ giống, phân, thuốc cho đến kỹ thuật canh tác, thậm chí ngày thu hoạch đều có các kỹ sư lo hết. Làm ruộng gần 50 năm, tôi mới biết câu khỏe như nông dân” – lão nông Tư Mừng (năm nay 70 tuổi) phấn khởi nói.

Ông Đỗ Văn Ớt – nông dân đang canh tác 12ha lúa ở ấp Tân Bình, xã Tân Tiến, huyện Tri Tôn, An Giang nói: “Trước đây, nông dân thu hoạch lúa phải chạy đôn chạy đáo do giá, tìm thương lái bán lúa. Vừa khổ vì bị ép giá, nông dân còn hồi hộp không biết khi nào thương lái trả tiền. Tham gia CĐML, quyền lợi của nông dân và doanh nghiệp đều ngang nhau, hợp đồng được thỏa thuận sòng phẳng, thấy được chúng tôi mới đặt bút ký tên.

Ban đầu chúng tôi hơi ái ngại vì sợ bị… lừa. Qua mấy vụ làm ăn, chúng tôi cảm thấy hài lòng vì quyền lợi của mình được đảm bảo”. Ông Cao Văn Tấn – Phó Giám đốc Công ty Lương thực Thoại Sơn cho biết: “Lúa giống, phân bón, thuốc… được công ty cung cấp đến khi thu hoạch mà không tính lãi. Nhưng hạt lúa khi thu hoạch phải theo chuẩn của công ty về độ thuần, độ ẩm, độ xanh non, rạn gãy, tạp chất…

Khâu này nông dân không phải lo vì các kỹ sư của công ty sẽ theo dõi và hướng dẫn cụ thể. Đến ngày thu hoạch, công ty cho nông dân mượn bao đựng lúa, đưa ghe chở lúa về kho sấy. Nếu nông dân thấy giá lúa thị trường thấp, không bán thì công ty cho gửi kho miễn phí trong vòng 30 ngày để chờ giá. Nếu tiếp tục gửi lúa từ tháng thứ hai thì nông dân chịu tiền lưu kho 5.000 đồng/tấn/ngày” - ông Tấn nói.

Nguồn:danviet.vn