Nước là máu của sự sống

Nước là máu của sự sống
Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu rất cần thiết trong đời sống hàng ngày, đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Việc đưa nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân, xây dựng nông thôn xanh - sạch - đẹp mà còn góp phần ổn định và từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 

Trạm cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình xây dựng.

Nhận thức rõ điều này, những năm qua,Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình đã nỗ lực đưa nước sạch về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.    

Năm 2014, Trung tâm đã có 8 công trình cấp nước tập trung hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ cho 31.658 người dân nông thôn; 3 công trình chuyển tiếp; góp phần nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 2,5% (tương đương 15.540 người) so với năm 2013. Tổ chức hỗ trợ xây dựng và cải tạo hệ thống cấp nước cho cộng đồng và trường học tại xã Vạn Ninh, Trung Hóa và Thượng Hóa; xây dựng, cải tạo 30 nhà vệ sinh hộ gia đình cho 10 xã thuộc 2 huyện Quảng Ninh, Minh Hóa; tổ chức tập huấn, hội thảo, truyền thông, kiểm tra giám sát cho 11 xã thuộc 2 huyện Quảng Ninh và Minh Hóa về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tổ chức 4 lớp tập huấn tiếp thị xã hội về nước và vệ sinh môi trường cho 4 xã thuộc huyện Minh Hóa. Xây dựng kế hoạch an toàn nước tại xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa. Số người được hưởng lợi từ các hoạt động trên lên tới 6.000 người, tập trung ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ lắp đặt hệ thống thu nước mưa, dụng cụ xử lý nước hộ gia đình, tập huấn về các bệnh do nước bị ô nhiễm, truyền thông vệ sinh và nâng cao nhận thức về nhà chống bão và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho 10 xã thuộc các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn. Hỗ trợ xây dựng 300 hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi cho 300 hộ dân trên địa bàn.  

Đến nay, số hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 80,3%, tương đương 42.000 người, vượt 0,3% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ số hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 62,3%, vượt 2,3% so với kế hoạch. Số người được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng khá cao, tương đương 3.950 hộ.

Công tác nâng cao năng lực, tập huấn, truyền thông cũng được chú trọng, trong năm Trung tâm đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho 149 cán bộ cấp huyện, xã và 300 hộ dân với nội dung tuyên truyền, hướng dẫn cải tạo công trình, xử lý nước và trữ nước an toàn hộ gia đình; 1 lớp tập huấn quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung cho 30 cán bộ, công nhân vận hành công trình cấp nước tập trung. Các ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng, sử dụng, bảo vệ công trình cấp nước và vệ sinh, tăng cường công tác này trong Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày môi trường thế giới bằng nhiều hình thức như mít tinh, tập huấn, tọa đàm, tổ chức các cuộc thi, thu hút hàng nghìn người tham gia.   

Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình vẫn gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng dân số nhanh, số người chưa có việc làm còn nhiều, tập quán sinh hoạt của nhân dân một số vùng còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp, kinh tế hộ gia đình của những vùng thực thi các công trình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn dẫn đến việc tiếp thu và thực hiện dự án chậm. Người dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, khó khăn trong việc huy động nguồn vốn trong dân để xây dựng công trình. Nguồn kinh phí từ Trung ương và các tổ chức quốc tế chưa bố trí bổ sung cho việc đầu tư xây dựng, sửa chữa công trình cấp nước và vệ sinh trường học, trạm y tế, trong khi đó nguồn kinh phí của tỉnh phải ưu tiên khắc phục thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả nước sạch và vệ sinh môi trường, cần nâng hiệu quả sử dụng và nâng công suất các trạm cấp nước cũ, đầu tư thêm hệ thống đường ống dẫn nước để đưa nước sạch đến từng hộ gia đình ở vùng sâu. Bên cạnh đó, việc tìm thêm nguồn vốn, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội và người dân để tiếp tục xây dựng, bảo dưỡng các trạm cấp nước, nhà vệ sinh an toàn, sử dụng hầm biogas đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi cũng là việc làm rất cần thiết và cấp bách… Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân cư phân tán, mức sống còn thấp nên xây dựng nhà tiêu hai ngăn sinh thái, nhà tiêu chìm có ống thông hơi để có thể tận dụng vật liệu, vật tư sẵn có tại địa phương để giảm giá thành.Khuyến khích sự đóng góp của dân, tìm kiếm, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đầu tư thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.     

Những việc làm này vừa có tác dụng giúp người dân được sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt, tránh được những bệnh liên quan do sử dụng nguồn nước không bảo đảm. Đồng thời góp phần giúp nguồn nước ngầm ở khu vực nông thôn trong tỉnh không bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt, bảo vệ kết cấu địa chất vững chắc. Nước ngọt là nguồn tài nguyên có tái tạo, nhưng việc sử dụng phải đảm bảo cân bằng giữa nguồn dự trữ và tái tạo. Đó cũng là cách mà con người cần quan tâm, thực hiện để tồn tại và phát triển ổn định, bền vững.

Trung Hiếu

nguồn: kinhtenongthon.com.vn