Ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Trao quyền tối đa cho dân trong XDNTM

Ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Trao quyền tối đa cho dân trong XDNTM
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Hà Tĩnh là tỉnh được Ban chỉ đạo Trung ương, các bộ ngành, địa phương trên cả nước ghi nhận, đánh giá cao về kết quả đạt được; nhiều địa phương xem Hà Tĩnh như “kho kinh nghiệm” cần được chia sẻ, nhân rộng.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, về bài học kinh nghiệm từ phong trào XDNTM mà tỉnh đã đạt được.

Ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Được biết, Hà Tĩnh là tỉnh thực hiện chương trình XDNTM khá thành công. Ông có thể đánh giá đôi nét về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương trước khi bắt tay  XDNTM?

Khi chia tách tỉnh (năm 1991), ngân sách của Hà Tĩnh chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương. Lúc đó, 89% dân số trong tỉnh làm nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng  chưa hoàn thiện, đời sống dân sinh còn nghèo.

Sau hơn 10 năm chia tách (năm 2001), xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò trọng yếu, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và tập trung XDNTM.

Ngày 02/8/2001, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1635 về 19 tiêu chí NTM với các nội dung chủ yếu: chuyển đổi ruộng đất, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đặc biệt là hệ thống thuỷ lợi; ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí cho các xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, diện mạo nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh đã có những thay đổi đáng kể. Đến năm 2005, tỉnh nâng lên 33 tiêu chí NTM. Cũng từ giai đoạn 2005-2010 nhờ thực hiện tốt chương trình XDNTM, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, kinh tế - xã hội phát triển bởi nông nghiệp phát triển đã tạo đà cho công nghiệp, dịch vụ tăng tốc.

Trong thời điểm Hà Tĩnh đang đẩy mạnh phong trào XDNTM, ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 800 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Trên cơ sở kế thừa những kết quả và kinh nghiệm có được từ các giai đoạn trước, chúng tôi nhận thấy đây là “cơ hội vàng” để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, nêu cao vai trò chủ thể của cư dân nông thôn, coi đây là cuộc cách mạng lớn để toàn dân tham gia. Nếu như năm 2010, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 4,1 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí và có đến 120 xã đạt dưới 5 tiêu chí thì sau 5 năm thực hiện, chương trình đạt kết quả khá cao và toàn diện, từng bước đi vào chiều sâu, được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong XDNTM. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 26 xã đạt chuẩn NTM; 11 xã đạt từ 13 - 18 tiêu chí; 171 xã đạt từ 7 - 12 tiêu chí; 23 xã đạt 5 - 6 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về XDNTM.

Cái được lớn nhất trong phong trào XDNTM ở Hà Tĩnh là gì, thưa ông?

Đó chính là chuyển biến về mặt nhận thức của người dân. Ban đầu khi XDNTM tại xã điểm Gia Phố (Hương Khê), cán bộ và nhân dân xem đây là dự án do Nhà nước đầu tư xây dựng cho dân. Trong 5 năm triển khai thực hiện chương trình, Hà Tĩnh đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; công tác tuyên truyền được duy trì thường xuyên, liên tục, luôn có sự đổi mới theo chiều sâu, từ đó đã làm chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và người dân về XDNTM. Người dân đã nhận thức được XDNTM là xây dựng cuộc sống mới cho mình, vì mình, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ; tư tưởng trông chờ, ỷ lại dần được đẩy lùi; sự tự giác trong thực hiện được thể hiện ngày càng rõ nét; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong XDNTM, tạo được phong trào thi đua mạnh mẽ, rộng rãi. Ở các thôn xóm, phong trào thi đua phát triển kinh tế, làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, vệ sinh môi trường được  người dân nhiệt tình hưởng ứng; gương điển hình, nhân tố mới xuất hiện ở khắp nơi. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân trên địa bàn chỉ là 12 triệu đồng/người thì đến năm 2015  đã đạt 40 triệu đồng/người, với 49 xã đạt chuẩn NTM. Đến 30/6 này sẽ không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí.

Ông đánh giá thế nào về vai trò đóng góp từ sức dân?

XDNTM phải phát huy vai trò chủ thể của người dân, trao quyền tối đa cho dân, công khai, minh bạch những việc dân làm được để cho dân làm. Gần đây, Hà Tĩnh phát động phong trào làm giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân đứng ra bàn bạc, tổ chức triển khai sao cho hiệu quả.

Với cách làm này, chỉ tính riêng trong năm 2014, toàn tỉnh đã ra quân làm được 1.000km đường giao thông nông thôn. Đồng thời, chúng tôi đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất cho người dân vay vốn sản xuất, đến nay, tổng doanh số cho vay đạt 1.980.747 triệu đồng, với 21.992 khách hàng, số tiền hỗ trợ 79.936 triệu đồng, trong đó phải ghi nhận Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT luôn đứng đầu trong danh sách các tổ chức tín dụng cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi còn vận động các tổ chức, cá nhân đỡ đầu, hỗ trợ giúp dân xây dựng nhà văn hoá, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, xây dựng các công trình, hạ tầng kinh tế - xã hội…

Trung tâm văn hóa xã Cẩm Bình, một trong  3 xã ở Cẩm Xuyên hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.  Ảnh: Ngô Sỹ Ngọ

Bí quyết nào giúp Hà Tĩnh thu hút được nhiều doanh nghiệp  nhập cuộc với nông dân trong XDNTM, thưa ông?

Phát triển mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân là quan điểm xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo XDNTM của Hà Tĩnh. Theo đó, chúng tôi kiên trì thực hiện 3 hoá: “Doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư”, theo chuỗi liên kết “vừa tập trung, vừa phân tán”, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua doanh nghiệp... tạo sản phẩm có số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã hình thành gần 7.400 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ, chất lượng tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản. Nông nghiệp ngày càng thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ” cho sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Doanh nghiệp  đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tìm kiếm thị trường; còn chính quyền địa phương khuyến khích cho doanh nghiệp vào nông thôn,  luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tổng công ty Khoáng sản thương mại Hà Tĩnh là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc liên doanh liên kết với nông dân có hiệu quả nhất: sản xuất giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tạo đầu ra cho nông dân.

Ông có thể cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong những năm tiếp theo?

Hiện, Hà Tĩnh đang tập trung rất cao vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân và XDNTM, phát triển các khu kinh tế và đẩy mạnh trụ cột dịch vụ thương mại. 

Hà Tĩnh chỉ đạo trong đại hội Đảng các cấp, chủ đề đại hội bàn sâu rộng là: XDNTM là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, nhất là vấn đề quy hoạch. Hà Tĩnh là tỉnh đi đầu trong công tác quy hoạch, xác định được các sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chủ lực, xây dựng các huyện NTM theo Quyết định số 491 thì phải có 75% số xã đạt chuẩn NTM, cần phải quy hoạch kết nối giữa các xã với huyện trung tâm. Trong báo cáo chính trị, các huyện thể hiện quyết tâm rất cao, tạo phong trào thi đua giữa các địa phương nhưng chúng tôi xác định không làm theo phong trào.

Tiếp tục ưu tiên cho sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với mô hình tăng trưởng năng suất chất lượng hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị, hàng hóa phải có nhãn mác, có thương hiệu, nhãn hiệu gắn với chế biến, tiêu thụ, duy trì liên kết, sản phẩm có cạnh tranh trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

Tập trung chuyển đổi nghề, kiên trì chỉ đạo đào tạo, tập huấn, định hướng chuyển dịch lao động “3 trong 1” trong các hộ gia đình, một lao động công nghiệp, một lao động thương mại dịch vụ và 1 lao động nông nghiệp. Gắn với đào tạo công nghệ cao trong nông nghiệp, xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao nhằm khai thác 2 vệt cơ bản, đó là: Ven biển và miền núi. Vùng biển chủ yếu nuôi tôm, cá, trồng rau quả; vùng núi chủ yếu chăn nuôi bò, lợn, hươu và trồng cây ăn quả. Rà soát lại nhà máy chế biến rác để xử lý các loại rác thải nông thôn, thành thị, khu dân cư…

Với đà này, chắc chắn đến năm 2020, Hà Tĩnh sẽ trở thành tỉnh giàu mạnh, thu nhập bình quân đạt trên 65 triệu đồng/người.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Theo Công Lâm - PV (thực hiện)
kinhtenongthon.com.vn