Phấn đấu đến 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
- Thứ tư - 23/11/2016 07:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đến 2020, thu nhập khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần
Nghị quyết nêu rõ: Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; nhận thức của cán bộ, người dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình còn những hạn chế, vướng mắc như: việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của mỗi vùng, miền, địa phương; công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, chất lượng chưa cao. Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các địa phương và vùng miền. Nhiều địa phương quá chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến đời sống văn hóa, tinh thần, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân; có địa phương còn huy động đóng góp quá mức so với thu nhập của người dân. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp còn chậm, chưa thực sự gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc nêu trên, ngoài lý do điều kiện tự nhiên, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền; sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương; nhận thức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở còn hạn chế, còn có trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương trong việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình; trách nhiệm của một số địa phương, cơ sở không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn.
Đoàn ĐBQH Hòa Bình biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp - Ảnh: Quang Khánh |
Theo Nghị quyết, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12.11.2015 của QH phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Nghiên cứu sửa đổi những tiêu chí chưa phù hợp của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Xây dựng các tiêu chí nâng cao để áp dụng cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch không còn phù hợp. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình. Xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng, trục lợi trong thực hiện Chương trình. Triển khai Chương trình phải đặt mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, đổi mới cơ cấu sản xuất, gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.
Nghiên cứu sửa đổi chính sách về đất đai
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ, nghiên cứu sửa đổi chính sách về đất đai để khuyến khích tích tụ ruộng đất, tiến hành cơ giới hóa, tạo điều kiện sản xuất hàng hóa lớn; có chính sách đột phá về khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ mạnh hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn. Thực hiện phối hợp hiệu quả các nguồn vốn, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm; gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu khác. Ban hành chính sách bảo hiểm gắn với tái bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp áp dụng cho các loại sản phẩm nông nghiệp chủ yếu. Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách nhưng không làm tăng biên chế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân. Giữ vững mục tiêu bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn, đồng thời có biện pháp hạn chế tiêu cực, tệ nạn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và xử lý nghiêm đối với những vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Chương trình.
Nghị quyết cũng giao Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này đồng thời với việc báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12.11.2015 của QH.
UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Đoàn ĐBQH, ĐBQH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Theo Hà An/daibieunhandan.vn