Phát huy hiệu quả các chính sách trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ bảy - 09/06/2018 10:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, đến nay, toàn Thành phố có 04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 294/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 76,16%). Qua đó khẳng định những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của Thành phố đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Mô hình chăn nuôi mang hiệu quả kinh tế cao của người dân xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. |
Tại nhiều địa phương, sau dồn điền đổi thửa, người dân đã chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn, qua đó giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Đến nay, toàn Thành phố đã chuyển đổi được 17.584,9 ha, trong đó diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản là 6.416,7 ha; sang trồng cây ăn quả là 5.538,6 ha; sang mô hình VAC, VACR là 2.079,6 ha; sang trồng rau an toàn là 1.823,6 ha; sang trồng chăn nuôi xa khu dân cư là 623,7 ha; sang trồng hoa, cây cảnh là 508,2 ha; sang đất khác là 594,5 ha.
Trên địa bàn Thành phố cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25-30%.
Bên cạnh đó, các vùng sản xuất Rau an toàn ở các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng… cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Tiêu biểu là mô hình trồng rau hữu cơ của gia đình Ông Nguyễn Đăng Quý, Bà Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng huyện Đan Phượng cho thu nhập cao từ 2-3 tỷ đồng/ha/năm. Vùng trồng cây ăn quả ở một số xã thuộc các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì, Phúc Thọ với giá trị 0,5-1 tỷ/ha/năm.
Nhiều địa phương đã sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho một số loài cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Phật thủ, nhãn chín muộn, cam canh ở Hoài Đức, bưởi tôm vàng ở Đan Phượng. Vùng trồng hoa, cây cảnh ở các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất với giá trị từ 0,5-1,5 tỷ/ha/năm. Các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại các huyện như: Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì, Phúc Thọ với giá trị từ 1-2 tỷ/ha/năm. Vùng nuôi trồng thủy sản hiệu quả tại một số huyện như: Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức cho giá trị từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Trên toàn Thành phố hiện đã tổ chức được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô trên 100 ha tại 86 Hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện ngoại thành, hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 8,9 triệu đồng/ha lúa truyền thống; 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô từ 20 ha trở lên; 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với quy mô 20 ha/vùng (tăng 8 vùng so với trước khi thực hiện đề án sản xuất hoa, cây cảnh). Xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể (Bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, cam canh Kim An, bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ, bưởi Sóc Sơn, phật thủ Đắc Sở, nhãn muộn Đại Thành, nhãn muộn Hoài Đức, chuối Cổ Bi, chuối Vân Nam, ổi Đông Dư).
Những chính sách khuyến nông của Thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất được đẩy mạnh, sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả đáng khích lệ, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Qua đó, bước đầu đã hình thành và mở rộng các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả, vùng chăn nuôi xa khu dân cư, các vùng nuôi trồng thủy sản...
Nguyễn Công/ Lao động Thủ đô