Phát triển làng nghề, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới
- Thứ bảy - 03/08/2013 04:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những kết quả bước đầu
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thành, chúng tôi đến làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ thôn Giã Trung và làng nghề mây tre đan thôn Thù Lâm. Tiếng máy xẻ, máy mài, máy đục gỗ lúc râm ran, lúc lại chói tai. Tiếng cười nói rộn rã, tiếng còi xe inh ỏi tạo nên không khí tấp nập, sôi động ở một làng quê có nghề.
Vừa chỉ việc cho mấy đứa cháu đang hoàn thành công đoạn cuối cùng của một chiếc tủ thờ, anh Dương Minh Quang xóm 1, thôn Giã Trung cho biết, ba người con và hai người cháu của anh đều làm xưởng gia đình, thu nhập bốn, năm triệu đồng/người/tháng. Công việc không quá vất vả, gần nhà lại có thu nhập nên đứa nào cũng phấn khởi. Không chỉ riêng anh Quang mà rất nhiều người dân trong thôn cũng có thu nhập cao từ nghề này như gia đình bà Nguyễn Thị Huệ, Hoàng Anh Tuấn...
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành cho biết: Nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất hiện ở xã cách đây 10 năm. Do điều kiện kinh tế địa phương kém phát triển, nhiều thanh niên địa phương xuống khu Ðồng Kỵ, Bắc Ninh lao động, học nghề. Sau một vài năm, họ về mở xưởng tại quê hương, ban đầu chỉ có từ năm đến mười xưởng sau đó tăng dần đến nay đã có gần 100 xưởng. Các mặt hàng chủ yếu là giường, tủ, bàn ghế, kệ thờ... với giá trung bình từ 10 đến 15 triệu đồng/sản phẩm. Ðặc biệt, các xưởng đã áp dụng, mua sắm được các thiết bị sản xuất hiện đại nhất như: máy điêu khắc gỗ vi tính CNC. Gia đình anh Hoàng Anh Tuấn là một trong những cơ sở chuyên đục vi tính - một công đoạn sản phẩm chia sẻ. Với chiếc máy này chỉ cần một người có thể vận hành với lượng công việc nhiều mà không tốn công sức, mức thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng/người.
Trái ngược với không khí và thu nhập ở khu đồ gỗ mỹ nghệ, bước vào làng nghề mây tre đan Thù Lâm lại có cảm giác nhịp sống yên ắng, trầm đều trong từng hộ. Mỗi nhà, tất cả già trẻ đều có việc để làm. Ông Tạ Văn Thu thôn Thù Lâm cho biết : Tôi là thương binh, có một con trai nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin nhưng vẫn cùng làm, chỉ trừ ông già ngoài 80 tuổi sức yếu nên không làm được thôi, còn mọi người, mỗi người một việc, người chẻ lạt, người ngồi đan, nức, thu dọn... nói chung thu nhập khoảng 600 - 700 nghìn đồng/người/ tháng) nhưng có việc đều, giải quyết lao động lúc nông nhàn.
Xã Tiên Phong nằm ở phía đông nam của huyện Phổ Yên, có tổng diện tích tự nhiên 14.93 km2, dân cư phân bố đều ở 11 thôn và 27 xóm. Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Xã hiện có ba làng nghề được công nhận. Ðối với làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung, từ khi được Nhà nước đầu tư lắp đặt trạm biến áp phục vụ sản xuất, tình hình sản xuất, kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Số lượng sản phẩm ngày càng nhiều, phong phú và chất lượng hơn. Hiện thôn Giã Trung có 97 xưởng sản xuất, mỗi xưởng từ năm đến bảy lao động làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân 2,5 - 4,5 triệu đồng/người/ tháng. Làng nghề mây tre đan thôn Hảo Sơn có 146 hộ, thôn Thù Lâm có 440 hộ thu nhập bình quân 2 - 2,5 triệu đồng/ hộ/tháng.
Ngoài ba làng nghề, trên xã còn có các cơ sở làm gạch, dịch vụ ăn uống, buôn bán, hoạt động vận tải, bưu chính viễn thông...Với lợi thế về đất đai, khí hậu, Tiên Phong có bước phát triển về sản xuất nông nghiệp. Là xã điểm của huyện về xây dựng cánh đồng sản xuất một giống, xã thực hiện thành công nhiều chương trình dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp như: Dự án ngô lai, mô hình khoai tây, cà chua... các thôn, xóm điểm về trồng trọt như Cổ Pháp, Thù Lâm, Nguyễn Hậu. Năm 2012, tổng sản lượng lương thực của xã đạt 6.853,86 tấn bằng 96,39% kế hoạch. Ngành chăn nuôi của xã duy trì ổn định với 62.518 con gia súc, gia cầm. Ông Nguyễn Văn Thành cho biết: Với nhiều ngành nghề đa dạng, phong phú đã giúp địa phương giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên, tận dụng được lao động lúc nông nhàn, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Còn nhiều khó khăn
Thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng NTM, đến nay, sau ba năm triển khai, xã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng nông thôn điện, đường, trường trạm được đầu tư xây dựng hoàn thiện, hệ thống kênh mương cứng hóa, nhà văn hóa thôn, xóm được quan tâm bảo đảm cuộc sống người dân, xã chỉ còn 312 hộ nghèo. Xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp làng nghề là mũi nhọn của địa phương. Tuy nhiên, theo ông Thành, việc sản xuất và kinh doanh tại các làng nghề truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Cái khó nhất hiện nay với việc phát triển làng nghề là sản phẩm tiêu thụ chậm, giá cả bấp bênh. Ông lý giải: Các sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu, nhưng hiện làng nghề chưa thể xuất đi trực tiếp được mà vẫn qua khâu trung gian, do vậy gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu đắt, khó mua, phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi người dân lại khó tiếp cận được với nguồn vốn. Giao thông không thuận lợi, con đường huyết mạch của xã đang xuống cấp. Môi trường bị ô nhiễm do chưa quy hoạch được nơi xử lý chất thải, gây bụi tiếng ồn...
Ðể làng nghề phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Tiên Phong cần quy hoạch lại làng nghề theo hướng nằm cách xa khu vực dân cư nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Xác định ngành nghề chủ lực, xây dựng phương án để sản phẩm làm ra có thương hiệu, khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Ðầu tư vào nông nghiệp bằng cách xây dựng mô hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cánh đồng một giống...
Khi có thu nhập cao, đời sống ổn định người dân mới có thể tham gia, đóng góp vào xây dựng NTM một cách bền vững. Ðó là mong mỏi lớn nhất của Ðảng bộ và nhân dân xã Tiên Phong.
Lưu Phương
Theo nhandan.org.vn