Phát triển mô hình Saemaul Undong trong xây dựng nông thôn mới
- Chủ nhật - 09/09/2018 09:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sự “thay da đổi thịt” của xóm Tổ
Có mặt tại xóm Tổ (xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, khó có thể nghĩ rằng, nơi đây từng là xóm nghèo nhất của xã Phượng Tiến với 60 hộ dân, 243 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc cùng sinh sống. Con đường bê tông dài hơn 2 km quanh xóm, nhà văn hóa khang trang trên diện tích 700 m2 với trang thiết bị đảm bảo đủ để phục vụ nhu cầu hội họp, đọc sách báo, vui chơi của người dân… là những thứ mà mới chỉ trước năm 2014, những người dân xóm Tổ không nghĩ rằng sẽ có tại nơi đây.
Đóng gói miến sạch ở xóm Tổ (xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, Thái Nguyên). Ảnh: K.T |
Vốn là khu vực giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, xóm Tổ không có mô hình sản xuất gì để có thu nhập ổn định, kinh tế các hộ gia đình chủ yếu là trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi nhỏ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Sự “thay da đổi thịt” của xóm Tổ mới bắt đầu từ năm 2014, khi xóm được tiếp nhận dự án xây dựng Làng thí điểm nông thôn mới của Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới Saemaul Undong Hàn Quốc (SGF), với mục tiêu cải thiện điều kiện hạ tầng, môi trường sống của các hộ dân và phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn.
Cùng với việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, giúp các hộ gia đình cải thiện điều kiện vệ sinh, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, Quỹ SGF còn hỗ trợ một số mô hình phát triển kinh tế, tiêu biểu như: Dự án đầu tư xây dựng 3 trại chăn nuôi thỏ, mỗi trại có diện tích 400 m2, quy mô trung bình mỗi trại 700-800 con, cho thu nhập bình quân khoảng 5-6 triệu đồng/tháng; Dự án về sản xuất miến dong, được trang bị các loại máy móc sơ chế, hệ thống lọc bột, máy tráng miến..., đến nay xưởng đã cho ra sản phẩm miến sạch bằng nguyên liệu 100% tinh bột dong, tạo cơ hội việc làm cho hơn 10 lao động trực tiếp.
Saemaul Undong còn được biết đến với các tên gọi khác như Phong trào Cộng đồng mới, Phong trào Làng mới, Phong trào Saemaul… là một sáng kiến chính trị đưa ra vào ngày 22/4/1970 bởi Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, nhằm hiện đại hóa kinh tế nông thôn Hàn Quốc.
Phong trào ban đầu nhằm khắc phục sự chênh lệch trong mức sống giữa các đô thị trung tâm, nơi có thành quả công nghiệp hóa nhanh chóng với những làng nhỏ vẫn còn sa lầy trong nghèo khó. “Cần cù - Tự lực - Hợp tác” là những khẩu hiệu để khuyến khích các thành viên trong cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển.
Tại Việt Nam, Quỹ SGF đã bắt đầu triển khai dự án từ năm 2005, đến nay đã xây dựng được 8 làng thí điểm theo mô hình Saemaul tại 5 tỉnh: Ninh Thuận, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang.
Theo ông Bùi Văn Cường, Trưởng xóm Tổ, Chủ tịch Hiệp hội Saemaul xóm Tổ, sau 4 năm với những kết quả đã đạt được, bước đầu đã giúp xóm Tổ có những đổi thay, người dân xóm Tổ đã được truyền cảm hứng với tinh thần Saemaul, đoàn kết để cùng nhau xây dựng làng nông thôn mới, hướng đến xây dựng xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Gia tăng hiệu quả thông qua kết hợp với các chương trình nông thôn mới
Tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp phát triển mô hình Saemaul Undong trong xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam” mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, mô hình Saemaul và Chương trình Nông thôn mới của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, do đó Quỹ SGF đã có những đóng góp tích cực trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đánh giá, việc triển khai thực hiện mô hình làng mới Saemaul Undong tại Thái Nguyên đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, được các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cộng đồng dân cư vùng dự án đánh giá cao, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, tạo sức lan tỏa trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Hội thảo quốc tế Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp phát triển mô hình Saemaul Undong trong xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam ngày 31/8 tại Thái Nguyên |
TS. Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng, có rất nhiều yếu tố đem đến thành công của phong trào Saemaul Undong, nhưng quan trọng nhất là cơ chế hoạt động tự lực của cộng đồng, khả năng lãnh đạo của người đứng đầu và sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ.
“Từ kinh nghiệm thành công của phong trào làng mới ở Hàn Quốc, chúng tôi nhận thấy là quá trình thực hiện nông thôn mới ở Việt Nam cũng có đầy đủ những yếu tố thành công của phong trào làng mới như cam kết chính trị, có bộ máy thống nhất, làm từ nhỏ đến lớn, có phong trào thi đua, có đào tạo, nhấn mạnh đến vai trò tự chủ của người dân...”, bà Lan nói.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nâng cao chất lượng, giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là một trong những mục tiêu của xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam. Ông Trần Thanh Nam cũng bày tỏ mong muốn có sự kết hợp giữa Quỹ SGF với phong trào Saemaul và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó đẩy nhanh việc đưa sản phẩm của các thôn, xóm có mặt tại siêu thị, góp phần thay đổi nhanh chóng cuộc sống của người dân nông thôn.
Theo Báo Đầu Tư