Phát triển nông thôn mới hài hòa, gắn kết phát triển đô thị
- Thứ năm - 09/03/2017 21:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tại cuộc họp lấy ý kiến các bộ, ngành về đề án xây dựng NTM mới trong quá trình đô thị hoá trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 – 2020, chiều 9.3.
Một đêm từ xã thành phường
Theo bà Phan Thị Mỹ Linh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện cả nước có hơn 1.500 xã đã đạt chuẩn NTM (chiếm 17,1% tổng số xã) và 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn. Nhưng quá trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2010 - 2020 chưa gắn với quá trình đô thị hoá trên địa bàn cấp huyện. Tất cả các địa phương mới chỉ tập trung vào xây dựng xã NTM.
Số lượng đô thị nhỏ trên địa bàn cấp huyện hiện còn quá ít, bình quân cả nước chỉ có hơn 1,1 đô thị/huyện. Hệ thống điểm dân cư nông thôn hiện nay được phát triển trên nền tảng cũ một cách tự phát, cơ bản mang đặc điểm phù hợp với nền sản xuất nhỏ, phương tiện lao động thô sơ, chưa được tổ chức để phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hoá lớn, chưa đáp ứng tốt tiến trình hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nông nghiệp và nông thôn. Trong khi tỷ lệ đô thị ngày càng tăng lên, dân cư đô thị cũng tăng lên, cư dân nông thôn theo số liệu thống kê hiện còn 64,5% tổng dân số, lao động nông thôn chỉ còn 43,7%. Tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm nhanh do nhiều địa bàn nông thôn cũng sẽ thành đô thị.
Trồng, chăm sóc cây cảnh đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: H.Đ
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nêu ví dụ, Hà Nội hiện có 386 xã, trong đó 255 là xã NTM, chiếm 66%. Có 2 huyện đã đạt NTM (2 huyện khác đang chờ phê duyệt hoàn thành NTM). Theo quy hoạch, đến năm 2019 sẽ có 80% số xã của thành phố đạt xã NTM.
“Hà Nội còn rất nhiều huyện ven đô như Thanh Oai, Gia Lâm, Hà Đông cũng đang đô thị hoá rất mạnh. Hay như huyện Từ Liêm được tách ra thành quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, có thể nói là một đêm từ xã thành phường. Vì vậy, có rất nhiều thay đổi và quy hoạch chưa bám sát. Nếu phải xoá đi quy hoạch cũ để làm theo quy hoạch mới cũng phải làm, nhất là trong bối cảnh xã sẽ lên phường. Chúng tôi rất muốn có cơ chế để thay đổi. Cần mạnh dạn phê duyệt đề án và có nghị định riêng để đẩy nhanh việc này” – ông Sửu chia sẻ.
Bổ sung mục tiêu “xanh”
Để tránh việc các địa phương triển khai thực hiện đề án tràn lan dẫn tới việc các huyện tập trung đầu tư quá mức để phấn đấu đạt mục tiêu, gây áp lực lớn cho ngân sách, giới hạn phạm vi, quy mô thực hiện, đề án dự kiến thí điểm tại 8 huyện điển hình cho 6 vùng trên toàn quốc tại các địa phương: Lào Cai, Bắc Giang, Hà Nội, Nghệ An, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Dương và Cần Thơ. |
“Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hoá trên địa bàn cấp huyện” giai đoạn 2016 – 2020 có mục tiêu hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất phi lợi nhuận.
Theo bà Phan Thị Mỹ Linh, các đô thị nhỏ trên địa bàn cấp huyện đóng vai trò như các trung tâm nông thôn, nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp có tính đầu mối, tập trung phục vụ tốt, hiệu quả trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn.
Đồng tình với quan điểm này nhưng ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng phải bổ sung thêm mục tiêu “xanh” khi xây dựng đề án. Xây dựng NTM trong đô thị cần phải quy hoạch thêm đô thị nông nghiệp công nghệ cao, hình thành những vùng đô thị nông nghiệp công nghệ cao xanh, sạch gắn với phát triển nông thôn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định xây dựng NTM phải gắn liền với quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Trong mục tiêu hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn lại gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
“Đề án rất cần thiết và Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì. Trong đề án có nhiều nội dung tốt nhưng cần tiếp tục hoàn thiện. Xây dựng NTM theo quan điểm của Đảng là quá trình hiện đại hoá. Chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch từ đơn vị cấp xã lên cấp phường, từ nông thôn sang đô thị. Có thể thí điểm chọn cả 2 mô hình: Huyện phát triển NTM gắn với đô thị; và loại phát triển sẵn chính quyền đô thị. Trong huyện chọn một số xã hình thành phường”- Phó Thủ tướng nêu.
Theo Phó Thủ tướng, đề án cần phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội cả nước, từng địa phương, vùng, huyện; phù hợp với khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tiêu chí quy hoạch phải để rất mềm, để các địa phương tự điều chỉnh.
“Mục tiêu của đề án phải tổng quát, gắn với quá trình để đưa ra một tầm nhìn. Khi có tầm nhìn sẽ không bị lãng phí nguồn nhân lực. Vấn đề nội hàm của đề án phải là giải quyết hài hoà, gắn kết, dịch chuyển. Phải ra được khuôn khổ về quy hoạch, định hướng quy hoạch phát triển cho NTM trong quá trình đô thị hoá và ngay cả trong các xã đang phát triển theo hướng quy hoạch này. Nhưng phải đặt mục tiêu đúng mức, chứ không phải là nhân bản quy hoạch. Phải dựa trên thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, xem xét đó là mô hình hay thiết chế” – Phó Thủ tướng lưu ý.