Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Xây dựng nông thôn mới: Tránh nóng vội, chạy theo thành tích

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Xây dựng nông thôn mới: Tránh nóng vội, chạy theo thành tích
“Trước phản ánh của báo chí về một số địa phương có dấu hiệu huy động dân quá mức đóng góp xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo T.Ư đã đề nghị các địa phương kịp thời chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện chương trình đúng ý nghĩa”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với PV NTNN.

Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về công tác truyền thông của báo NTNN nói riêng và báo chí nói chung về Chương trình xây dựng NTM?

- Báo NTNN là tiếng nói của Hội Nông dân Việt Nam, trực tiếp gắn bó với người dân nông thôn nên có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền về Chương trình cũng như tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tới người nông dân. 

Mặc dù đã và đang làm tốt vai trò này, tuy nhiên Báo cũng cần không ngừng cải thiện về nội dung, chất lượng của các bài viết, phóng sự để tuyên truyền tốt hơn nữa; cần tăng cường phản ánh kịp thời về phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”; phê phán, lên án những nơi làm chưa tốt, chạy theo hình thức hoặc gian dối; động viên, khích lệ những cá nhân, tổ chức điển hình tiên tiến, những địa phương có cách làm hay, sáng tạo nhằm tiếp tục khơi dậy sức mạnh của nhân dân để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về xây dựng NTM trong những năm tới.

Báo NTNN cũng như các cơ quan báo chí khác cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để lan tỏa sâu rộng hơn nữa các hoạt động của Chương trình, tạo đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh của toàn dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. 

Thưa Phó Thủ tướng, cả nước hiện mới có 144 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ các xã đạt dưới 10 tiêu chí còn rất cao (trên 60%). Với tình hình ngân sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay, ông nhận định thế nào về việc hoàn thành mục tiêu có 500-600 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2014?

- Sau 3 năm triển khai Chương trình NTM, đến tháng 12.2013, cả nước đã có 144 xã đạt chuẩn NTM (19 tiêu chí), 562 xã đã đạt được 15 - 18 tiêu chí. Thực tiễn triển khai Chương trình những năm qua cho thấy những xã trong nhóm dẫn đầu với nỗ lực cao có thể phấn đấu đạt thêm được từ 3 - 4 tiêu chí/năm.

Tôi cho rằng năng lực của đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình các cấp, nhất là cấp cơ sở đã được nâng lên đáng kể. Nhiều địa phương có chính sách đặc thù, linh hoạt, tạo ra những chuyển biến tích cực trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, nhận thức và vai trò chủ thể của người dân nông thôn tham gia Chương trình đã được nâng cao rõ rệt. Rõ ràng là khi người dân đã thực sự làm chủ, tích cực tham gia xây dựng NTM thì khả năng đạt được các mục tiêu sẽ cao hơn nhiều.

Hiện có số ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tình hình nợ quy hoạch, nợ xây dựng cơ bản của nhiều địa phương. Vậy Ban Chỉ đạo đã đề ra những giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?

- Ban Chỉ đạo T.Ư đã đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương rà soát tình hình nợ quy hoạch, nợ xây dựng cơ bản; trên cơ sở đó, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện quy hoạch NTM (ngoài số vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ bình quân như hiện nay). Đối với những địa phương thật sự có khó khăn thì đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương không thực hiện việc ứng vốn đầu tư xây dựng trước các công trình khi chưa xác định được nguồn vốn; đồng thời cũng đã đề nghị các Bộ: NNPTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn các địa phương phân bổ và sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung cho Chương trình một cách hiệu quả, tránh dàn trải kéo dài. 

Ở không ít địa phương hiện nay, đang xảy ra tình trạng xây dựng NTM theo phong trào, dẫn tới huy động dân đóng góp quá sức, ép dân dồn điền đổi thửa gây bức xúc. Vậy Ban Chỉ đạo có định hướng gì để xây dựng NTM không trở thành gánh nặng đối với người dân?

- Trong nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình NTM đã quy định rõ không bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức tự nguyện thích hợp, người dân được bàn bạc, thống nhất đóng góp cụ thể đối với từng hạng mục, dự án triển khai. Trước phản ánh của báo chí về một số địa phương có dấu hiệu huy động dân quá mức, Ban Chỉ đạo T.Ư đã đề nghị các địa phương kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, bảo đảm thực hiện chương trình đúng ý nghĩa.

“Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước khó khăn như hiện nay, Quốc hội vẫn xem xét và có Nghị quyết ưu tiên bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 cho Chương trình là 15.000 tỷ đồng; cùng với các nguồn lực ngày càng tăng từ địa phương, nguồn vốn tín dụng, vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và đóng góp của người dân đã tăng thêm nguồn lực để thực hiện Chương trình”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Ban Chỉ đạo T.Ư và các bộ, ngành liên quan đã tiến hành rà soát, đánh giá việc triển khai vốn của các địa phương. Trong năm nay, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình; vận động chính quyền các địa phương và bà con nhân dân cần kiên trì, tránh nóng vội và chạy theo thành tích trong triển khai thực hiện. 

Mục tiêu xây dựng NTM là phục vụ cho nhân dân, là sự nghiệp của dân, do dân làm, vì vậy cần phát huy vai trò làm chủ của người dân.

Có ý kiến cho rằng, các tiêu chí chúng ta đề ra rất nhiều, nhưng mục đích chính của xây dựng NTM vẫn là nâng cao cuộc sống của nhân dân. Phải chăng chúng ta nên có thêm một tiêu chí đánh giá về sự hài lòng của nhân dân, thưa Phó Thủ tướng?

- Tại Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 14.3.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xét công nhận và công bố địa phương đã quy định rõ việc đánh giá mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí phải được công bố công khai để nhân dân biết và tham gia ý kiến. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí của xã phải được gửi lấy ý kiến của MTTQ, các tổ chức thành viên của MTTQ cùng cấp. 

Như vậy, quy trình đánh giá mức độ đạt chuẩn của các tiêu chí NTM có yêu cầu phải lấy ý kiến đánh giá trực tiếp của người dân cũng như gián tiếp thông qua MTTQ xã và các tổ chức thành viên. Mặt khác, trong chỉ đạo thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã quy định việc gì gắn với dân thì giao cho dân làm, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các địa phương phát huy dân chủ, vận động nhân dân tự nguyện tham gia phong trào xây dựng NTM, qua đó cũng thấy được sự hài lòng của nhân dân.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo T.Ư sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để tiếp tục rà soát, nếu cần thiết sẽ điều chỉnh các hướng dẫn mức độ đạt chuẩn của các tiêu chí cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng miền.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
                                                         Hải Phong - Minh Huệ (Thực hiện)
                                                                       Theo danviet.vn