Phụ nữ với phong trào xây dựng nông thôn mới

Mới đây, tại huyện Chương Mỹ, Hội Phụ nữ TP.Hà Nội phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Qua đó, vai trò của các cấp hội phụ nữ với phong trào xây dựng nông thôn mới càng được khẳng định.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao hình thành ở các huyện nhờ sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ. Ảnh: SNN

Chủ thể quan trọng

Nói về vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, với 48,7% số lao động khu vực nông thôn, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phụ nữ vừa là chủ thể góp phần quan trọng vào thành công của chương trình, vừa là người được trực tiếp thụ hưởng những thành quả tốt đẹp do chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại. Ðáng chú ý, trong xu hướng nam giới ngày càng chuyển sang các công việc phi nông nghiệp và di cư ra thành phố tìm việc làm thì phụ nữ đang giữ vị trí trung tâm và đóng vai trò quyết định trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, cộng đồng, tham gia trực tiếp, tích cực và vận động người thân trong gia đình tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần và quản lý cộng đồng. Ðể có được nông thôn mới thì cần có nhiều gia đình nông thôn mới, giàu mạnh, tiến bộ. Trong mỗi gia đình, phụ nữ chính là người cùng chồng quản lý các nguồn lực, quyết định các đầu tư, chi tiêu lớn trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà cửa và mua sắm các tiện nghi sinh hoạt. Vì vậy, có thể khẳng định họ là một chủ thể quan trọng và nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nuôi những mầm xanh

Đến nay, toàn TP.Hà Nội đã dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được 76.551ha, đạt 100,19% kế hoạch, nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm và chưa thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả chưa cao, năng suất, chất lượng nông sản còn thấp.

Hội phụ nữ các huyện, xã đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi sản xuất tại địa phương, đồng thời thảo luận về những khó khăn, vướng mắc nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Các mô hình đưa giống cây, con mới vào nuôi trồng sau DĐĐT được chia sẻ. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp hội phụ nữ, bộ mặt sản xuất - bộ mặt nông thôn mới của Hà Nội được “bao phủ” bởi nhiều mô hình sản xuất hiệu quả: Rau quả an toàn ở huyện Phúc Thọ; hoa ở huyện Chương Mỹ; rau sạch ở Gia Lâm; lúa ở Thanh Oai; mô hình lúa - cá ở Thạch Thất;… Riêng huyện Thanh Oai, nhờ tập trung xây dựng, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp và đẩy mạnh DĐĐT gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 1.785 tỉ đồng/năm. Huyện tích cực chuyển đổi mô hình canh tác, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã thực hiện 1.256ha: cây ăn quả 324ha, rau an toàn 150ha, nuôi thủy sản và lúa, cá 720ha...

Theo Quang Hùng/laodong.com.vn