Quảng Ninh: Hướng đến nông thôn tiên tiến

Quảng Ninh: Hướng đến nông thôn tiên tiến
Bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh gặp nhiều trở ngại vì có điều kiện địa lý đặc thù với 54 xã khó khăn. Nhưng sau 5 năm thực hiện, tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Phóng viên báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh để hiểu rõ hơn về quá trình này.

 

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh.

Xin ông cho biết những kết quả Quảng Ninh đạt được sau hơn 5 năm thực hiện chương trình XDNTM?

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình XDNTM, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả bước đầu: Có 8/20 mục tiêu đã hoàn thành; 5/20 mục tiêu đạt trên 75% sẽ hoàn thành trong năm 2015, còn 7 mục tiêu đang tiếp tục triển khai phấn đấu hoàn thành trong thời gian tới.

Về quy hoạch và phát triển theo quy hoạch, đến hết năm 2011, 100% số xã đã được phê duyệt quy hoạch và đề án XDNTM, Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng.

Về hạ tầng kinh tế - xã hội, đã hoàn thành các hạ tầng thiết yếu mang tính động lực cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Cụ thể là, 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đường liên thôn được cứng hóa; 100% số thôn có nhà văn hóa, đảm bảo đủ điều kiện hoạt động; 99,2% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 97,6% số xã có hệ thống điện cơ bản đạt yêu cầu kỹ thuật ngành điện, 99,85% hộ dân sử dụng điện lưới an toàn, ổn định… Đặc biệt, chương trình hỗ trợ vật liệu xây dựng đã huy động được sự đóng góp lớn của nhân dân để đầu tư 1.210 công trình với tổng mức đầu tư hơn 868 tỷ đồng; hoàn thành đầu tư lưới điện nông thôn, đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô và các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn.

Bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình XDNTM là gì, thưa ông?

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, qua đó thống nhất về nội dung, phương pháp, cách làm.

Coi trọng công tác xây dựng và đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở.

Cấp xã phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của xã, tránh dập khuôn, máy móc. Đặc biệt chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bằng những chương trình, dự án.

Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để XDNTM. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”.

Cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cán bộ chủ trì đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thật sự tâm huyết chỉ đạo.

Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chương trình XDNTM giai đoạn 2016 - 2020 của Quảng Ninh là gì, thưa ông?

Giai đoạn 2016- 2020, Quảng Ninh xác định phải tiếp tục nâng chất lượng các xã, các huyện nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu: Thu nhập của người nông dân được nâng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và hoàn thiện; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần được phát huy, giữ vững giá trị truyền thống; an ninh, trật tự và an sinh xã hội vùng nông thôn được đảm bảo; môi trường sinh thái phát triển đa dạng và bền vững.

Mục tiêu cụ thể là xây dựng 104/111 xã (vì có 14/125 xã đã lên phường) đạt chuẩn NTM, 7 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM. Có 9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (Quảng Yên, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái), 1 huyện cơ bản đạt chuẩn NTM (huyện Bình Liêu).

Từ năm 2020 trở đi, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng huyện, xã nông thôn mới và thực hiện nông thôn tiên tiến. Nâng cao thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn gấp 2 lần so với năm 2015. Tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt trên 98%, trong đó tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 50% trở lên. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 33.000 người. Đưa 22 xã đặc biệt khó khăn ra khỏi diện xã khu vực III, trong đó có ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đỗ Hùng – Đức Sơn/kinhtenongthon.com.vn