Quảng Trị với điểm nhấn tam nông

Quảng Trị với điểm nhấn tam nông
Nền nông nghiệp ngày càng hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện đáng kể, diện mạo nông thôn được khởi sắc tích cực. Đó là những kết quả to lớn mà tỉnh Quảng Trị đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 (khóa X) về “tam nông”.

 

Hình thành các vùng sản xuất tập trung

Để Nghị quyết về "tam nông" đi vào cuộc sống một cách sinh động, ngay từ đầu tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chương trình hành động và các nghị quyết chuyên đề, trên cơ sở đó, các cấp, ngành đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn...

Khái quát những thành tích nổi bật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà Quảng Trị đạt được trong 5 năm qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường, cho biết việc phát triển liên tục, bền vững và toàn diện các mặt trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến và tiêu thụ nông sản, phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH-HĐH góp phần tích cực vào quá trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội đưa tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt xấp xỉ 4,7%, vượt chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyềt Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV là điểm nhấn quan trọng của tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua.

Nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trên lĩnh vực trồng trọt đã thực hiện đồng loạt các chương trình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chương trình khảo nghiệm các giống cây trồng mới, chương trình bảo vệ thực vật, chương trình hỗ trợ giống sản xuất vùng giống nhân dân...

Lúa là cây lương thực phát triển tương đối ổn định, diện tích gieo trồng hằng năm khoảng trên 80 nghìn ha, trong đó diện tích lúa khoảng 47- 48 nghìn ha/năm. Năm 2012, sản lượng lương thực có hạt đạt 25,03 vạn tấn, đạt 110,2% kế hoạch năm, tăng 10,6% so với năm 2008. Kết quả này góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, giảm bớt khó khăn về suy thoái kinh tế, lạm phát trong khu vực nông thôn.


Quảng Trị đang tập trung xây dựng NTM

Với các loại cây công nghiệp lâu năm có tiềm năng lớn, Quảng Trị đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung phát triển khá ổn định mang thương hiệu toàn cầu như cà phê ở Khe Sanh, cao su ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hướng Hoá, hồ tiêu ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hoá.

Bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ thường xuyên, luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai đồng bộ nên đã đưa độ che phủ rừng từ 45,4% năm 2008 lên 47,8% vào năm 2012. Đạt được kết quả đó là nhờ làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng. Bình quân mỗi năm trồng được 5.000 ha rừng tập trung, khoanh nuôi tái sinh thêm 3.500 ha rừng tự nhiên.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi có bước tăng trưởng khá. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng về số lượng và chất lượng. Đặc biệt đã áp dụng chăn nuôi giống lợn từ 2-3 máu ngoại vào sản xuất, thời gian nuôi ngắn hơn, trọng lượng xuất chuồng cao hơn nên sản lượng xuất chuồng tăng so với cùng kỳ các năm trước. Thuỷ sản đang phát triển trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh, theo hướng đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, từng bước sắp xếp chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển. Tổng số tàu cá toàn tỉnh có 2.507 chiếc với tổng công suất 59.052 CV, trong đó số tàu xa bờ 145 chiếc.

Vị thế của nông dân được nâng cao

Bàn về vị thế người nông dân, ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, khẳng định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn luôn được ngành và tỉnh Quảng Trị quan tâm hàng đầu. Việc từng bước tiếp cận, chuyển giao ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, đã đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị phát triển tất cả các mặt trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, chế biến và tiêu thụ nông sản, phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần làm cho vị thế người dân nông thôn luôn được nâng cao.

Quá trình cơ giới hoá các khâu trong sản xuất nông nghiệp tại Quảng Trị tăng nhanh. Năm 2008, mức độ cơ giới hoá trong khâu làm đất khoảng 35% đến năm 2012 tăng lên gần 90%, diện tích thu hoạch bằng máy khoảng 65%, 100% diện tích sử dụng máy tuốt lúa, diện tích sử dụng công cụ sạ hàng khoảng 40%, khoảng 70% sản lượng lạc được bóc vỏ bằng máy, gần 100% công việc xay xát, nghiền bột đã được thực hiện bằng máy, nhiều nơi ở Vĩnh Linh, Gio Linh đã bơm thuốc trừ sâu trên cây cao su bằng động cơ, gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp...

Để người dân có tay nghề vững vàng trong cuộc sống, chương trình đào tạo nghề đã được quan tâm và thực hiện khá tốt. Quảng Trị đã xây dựng được 3 mô hình điểm về dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, 2 mô hình điểm trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Số lượng lao động nông thôn được học nghề gần 20 ngàn người, đạt 113,45% kế hoạch, cơ bản đạt được mục tiêu của đề án trong 3 năm đầu thực hiện. Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%.

Với huyện Đakrông, địa phương thuộc Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị Quyết 30a trong 5 năm (2009-2013) đã giảm được tỉ lệ hộ nghèo từ 48% xuống còn 35%. Bằng nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Nghị quyết 30a, huyện Đakrông đã đầu tư xây dựng 5 công trình trường học, 3 công trình trạm y tế các xã, 6 công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; 14 công trình đường liên thôn, bản đã có 7 công trình bàn giao đưa vào sử dụng...

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nên đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện đáng kể. Thu nhập của hộ dân cư nông thôn không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 là 16,8% đến giữa năm 2013 là 13%. GDP bình quân đầu người tăng đều qua các năm, bình quân tăng 14-15%/năm, năm 2012 đạt 23,8 triệu đồng/người/ năm. Đến tháng 6/2013 đạt hơn 25 triệu đồng/người/năm.

Nông thôn khởi sắc

Trong những năm vừa qua, hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn có bước phát triển khá nhanh. Chương trình kiên cố hoá kênh mương, kiên cố hoá giao thông nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được chú trọng củng cố và mở rộng. Các công trình quan trọng về dân sinh nhằm nâng cao đời sống cho nông dân được Quảng Trị tập trung thi công hoàn thành như hệ thống đê vùng lũ Hải Lăng, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi Nam Thạch Hãn, cồng trình hồ Đá Mài - Tân Kim... Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có một hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo tưới tiêu, ngăn mặn, chống lũ và cải tạo vùng cát ven biển.

Việc đầu tư xây dựng mới các công trình thuỷ lợi nhỏ ở miền núi đã góp phần quan trọng chuyển đổi tập quán sản xuất của đồng bào vùng dân tộc, từ cuộc sống du canh du cư, đốt nương làm rẫy, nay chuyển sang sản xuất và thâm canh lúa nước.

 

+ Phong trào xây dựng NTM được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Kết quả sau ba năm thực hiện số xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí có 29/117 xã, tăng thêm 16 xã so với năm 2012. Trong đó huyện Triệu Phong 6 xã, huyện Vĩnh Linh 10 xã, thị xã Quảng Trị 1 xã; huyện Gio Linh có 2 xã, huyện Cam Lộ có 5 xã, huyện Hải Lăng có 5 xã. Xã đạt tiêu chí nhiều nhất là xã Vĩnh Thuỷ và Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh, đạt 14 tiêu chí.) Số xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí có 70/117 xã... Phấn đấu đến năm 2015, Quảng Trị có 20% số xã đạt chuẩn xã NTM...

+ Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị nâng cấp và làm mới được gần 3.000 km đường giao thông nông thôn, xây mới 38 cầu bê tông cốt thép... Có thể nói, hệ thống giao thông nông thôn Quảng Trị được đầu tư phát triển khá đồng bộ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, từ vùng đồng bằng đến miền núi, ven biển, tạo giao lưu giữa các thôn, xóm, bản, làng trong nội bộ vùng cũng như với các khu vực bên ngoài, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu dân cư mới, phát triển các trung tâm cụm xã, các cụm điểm kinh tế - dịch vụ, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc.

 Lâm Quang Huy
Nguồn: nongnghiep.vn