Quốc hội sẽ có kênh truyền hình riêng
- Thứ tư - 14/03/2012 06:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 14/3, tại hội thảo quan hệ với báo chí trong hoạt động của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng muốn kênh truyền hình của Quốc hội sẽ hoạt động trong năm tới. "Hoạt động của Quốc hội diễn ra như thế nào thì sẽ phát đúng như thế", ông Dũng chia sẻ.
Theo Phó chủ nhiệm Dũng, tòa nhà làm việc của Quốc hội đang xây dựng với chuẩn quốc tế. Khi hoàn thiện, công trình sẽ có khu vực cho báo chí tác nghiệp.
Thư ký Ủy ban - Văn phòng Quốc hội Đan Mạch Mette Hansen cho biết, từ năm 2009, kênh truyền hình của Quốc hội Đan Mạch đã đi vào hoạt động nhằm đưa thông tin đầy đủ tới từng người dân vào bất kỳ thời điểm nào. Kênh này nhằm thực hiện tiêu chí minh bạch, dễ tiếp cận của nghị viện Đan Mạch. Chi phí để vận hành thuộc hàng thấp nhất ở châu Âu, chỉ 2,5 triệu USD mỗi năm.
Thông tin, hình ảnh về phiên họp, điều trần... của Quốc hội, các Ủy ban và chi tiêu của nghị sĩ sẽ được đăng tải đầy đủ trên website Quốc hội nước này để người dân góp ý. Thậm chí, người dân nào quan tâm tới các hoạt động, phiên họp của Quốc hội thì đăng ký trên website để được dự thính.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: N.H. |
"Tại Đan Mạch, một câu lạc bộ phóng viên nghị trường cũng được thành lập với khoảng 200 nhà báo chuyên trách về lĩnh vực này. 95 trong tổng số hơn 450 nhân viên của Văn phòng Quốc hội được giao đảm trách mảng thông tin truyền thông, báo chí", bà Mette Hansen chia sẻ.
"Thường chúng tôi dành chỗ cho thanh niên, giới trẻ tham dự phiên họp toàn thể để phục vụ cho việc học tập. Hy vọng trong tương lai Việt Nam cũng có mô hình tương tự để giới trẻ hiểu về Quốc hội nhiều hơn”, bà thư ký mong mỏi.
Cũng theo chuyên gia này, tất cả đại biểu Quốc hội ở Đan Mạch đều là đại biểu chuyên nghiệp, làm việc toàn thời gian. Mức lương của đại biểu được đảm bảo để họ có cuộc sống đầy đủ, những người ở xa sẽ được bố trí căn hộ gần tòa nhà Quốc hội ở tại thủ đô để phục vụ công việc.
Trước chia sẻ của đồng nghiệp Đan Mạch, ông Nguyễn Sĩ Dũng một lần nữa khẳng định, báo chí là bộ phận quan trọng để thúc đẩy nền quản trị quốc gia trở nên minh bạch hơn. "Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị để báo chí tiếp cận các phiên điều trần ở ủy ban", ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tuy mô hình Nghị viện Đan Mạch và Việt Nam có nhiều điểm khác biệt nhưng trên tinh thần học tập, sắp tới khi tòa nhà làm việc của Quốc hội hoàn thành và đi vào hoạt động, Văn phòng sẽ kiến nghị để có các phòng cho báo chí tác nghiệp. Nguồn cung cấp dữ liệu cho báo chí trên website, kênh truyền hình cũng sẽ ra đời sớm.
"Đối với hoạt động báo chí nghị trường, hiện là thời điểm tương đối chín muồi để thành lập một câu lạc bộ phóng viên nghị trường của Việt Nam", ông Dũng nói.
Nguyễn Hưng