Sản phẩm VietGAP tắc đầu ra
- Thứ tư - 02/05/2012 10:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bộ NNPTNT đang thực hiện chương trình đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng thực trạng hiện nay là các sản phẩm VietGAP làm ra chưa được người tiêu dùng đón nhận, thậm chí còn bị đánh đồng, cào bằng với các sản phẩm thông thường khác.
Chị Nguyễn Xuân Hương ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, chị đọc báo có biết trái cây, rau quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là an toàn vệ sinh thực phẩm, thế nhưng ra chợ lại chẳng thấy ai bán. “Chúng tôi chẳng biết rau nào, trái nào là trồng theo VietGAP bởi chẳng có gì để phân biệt và nhận diện chúng. Hôm nọ vào siêu thị Co.opMart, tôi mới thấy có một loại dưa leo trên bao bì có ghi là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng tôi thực sự không biết họ ghi thế có đúng không vì nhìn những trái dưa leo đó chẳng khác gì so với các trái dưa leo bình thường cả” – chị Hương hoang mang.
Ngoài việc kênh phân phối còn yếu và không có dấu hiệu để nhận diện, sản phẩm VietGAP ít được người tiêu dùng biết đến còn do có quá ít sản phẩm loại này. Hiện vào hệ thống các siêu thị lớn chỉ mới thấy có 1 - 2 sản phẩm rau là có bao bì cẩn thận, có ghi sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng với số lượng lèo tèo vài cái, những sản phẩm này mau chóng mất hút trong vô vàn các sản phẩm rau củ quả thông thường. Riêng trong lĩnh vực trái cây thì hoàn toàn không có sản phẩm nào, dù là tự nhận, sản xuất theo VietGAP.
“Điều đó cho thấy chương trình của Bộ NNPTNT hiện chỉ mới dừng ở phần gốc, còn phần ngọn là đầu ra thì hoàn toàn bỏ ngỏ. Tôi chưa thấy một chương trình quảng bá sản phẩm VietGAP nào ở chợ hay siêu thị từ trước đến nay. Có công “đẻ” mà không có công nuôi, để đứa con của mình “tự bơi” thì trước sao nó cũng bị suy dinh dưỡng nặng hoặc chết sớm – TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, thẳng thắn đánh giá.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cũng cho rằng, dù quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP khó mấy nông dân cũng làm được, nhưng nếu không có đầu ra, thị trường không được quản lý chặt, các sản phẩm không theo tiêu chuẩn GAP bị trà trộn vào thì người nông dân sẽ không theo nghề lâu dài được.
“Hiện việc quản lý trồng, chăm sóc và chất lượng rau an toàn có nơi bị buông lỏng, không kiểm soát được khiến người tiêu dùng không tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Chính vì chưa có một quy trình thống nhất và cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo GAP nên đã không thu hút được nhiều các doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng tham gia hưởng ứng, ít ra là trong thời điểm hiện tại” – ông Tiệp nhận định.
Theo danviet.vn