Sáng tạo xây dựng nông thôn mới
- Thứ hai - 22/07/2013 23:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân huyện Hóc Môn TPHCM trồng rau đạt tiêu chuẩn Viet GAP. Ảnh: Phạm Kim Ngân |
Chú trọng yếu tố con người
Những diễn biến này cho thấy quyết tâm của TPHCM trong việc xây dựng NTM sẽ diễn ra theo đúng lộ trình, đến năm 2015 tất cả 56/58 xã (trừ 2 xã đô thị hóa) của 5 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ hoàn thành cơ bản các tiêu chí về xây dựng NTM. Nếu làm được điều này, TPHCM sẽ là địa phương đầu tiên cả nước hoàn thành cơ bản việc xây dựng NTM ở tất cả các xã ngoại thành. Việc xây dựng NTM ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung cho thấy, nhiều mặt tích cực đạt được thời gian qua như xây dựng mới nhiều cơ sở hạ tầng, đời sống văn hóa người dân được quan tâm hơn, việc tổ chức sản xuất có những chuyển biến tích cực, thu nhập người dân tại chỗ được cải thiện…
Nhưng thực tế cũng cho thấy, nhận thức của các ngành, các cấp ở một số địa phương về vấn đề này chưa thật đầy đủ, chưa đúng với chủ trương của nhà nước; khái niệm, nội hàm NTM còn được hiểu theo nhiều cách khác nhau, không chỉ với cán bộ các cấp, người dân mà cả các đơn vị triển khai; thiếu lực lượng cán bộ xây dựng nông thôn theo phương pháp tiếp cận mới nên còn lúng túng nhất là cơ chế quản lý đầu tư, tài chính.
Nhiều kinh nghiệm và bài học thời gian cũng đã được rút ra, đó là phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư. Phải giúp cho người dân hiểu được, việc xây dựng NTM là cho cộng đồng dân cư tại chỗ, chính bà con là chủ thể và có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng NTM, nên người dân phải hiểu về nội dung, phương pháp, cách làm, kể cả cơ chế chính sách nhà nước và giám sát. Nhưng điều quan trọng là phải chú ý việc đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở.
Nhiệt huyết và chuyên môn
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM TPHCM cho rằng, xây dựng NTM không chỉ là chủ đề của riêng người dân ngoại thành mà còn được sự quan tâm của toàn TP. Không chỉ quan tâm tìm hiểu mà đông đảo người dân trực tiếp hưởng ứng, thực hiện xây dựng quê hương, xóm ấp. Xây dựng NTM là động lực, tạo sự gắn bó giữa bà con trong cộng đồng. Điều này thể hiện rất rõ ở 6 xã điểm.
Ngay những xã đang trong tiến trình xem xét phê duyệt, bà con cũng cùng nhau trao đổi, bàn bạc với gia đình về việc con đường mở rộng ra sao, dành đất làm đường, hệ thống thủy lợi thế nào cho trọn vẹn đôi bên. Đó còn là hình ảnh hỗ trợ nhau trong sản xuất như về cây giống, vật nuôi; bàn bạc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra sao... Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào chính quyền và người dân hiểu rõ bản chất về xây dựng NTM với những nội hàm cốt lõi, trao đổi, bàn bạc và đặt dưới sự giám sát của dân thì sức mạnh được nhân lên, công việc thực hiện trôi chảy.
Ngược lại, nơi nào thụ động, trông chờ từ trên sẽ không thu hút được nguồn lực con người, trí tuệ, kinh nghiệm, đất đai, vốn của dân, doanh nghiệp thì nơi đó khó lòng đạt tiến bộ trong thực hiện. Có thể nói, xây dựng NTM tại TPHCM thật sự có sức lan tỏa. Từ xã Tân Thông Hội (Củ Chi) phát triển ra 6 xã Thái Mỹ (Củ Chi), Tân Nhựt (Bình Chánh), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Nhơn Đức (Nhà Bè) và Lý Nhơn (Cần Giờ). Thành ủy TPHCM xác định, trừ 2 xã đô thị hóa là Bình Hưng (Bình Chánh) và Trung Chánh (Hóc Môn), điểm đến của 50 xã còn lại là năm 2015.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM kiêm Trưởng ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM TP Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh, dù là tiền nhà nước hay của dân thì khi triển khai các hạng mục đều phải thực hiện chính xác, chặt chẽ, cụ thể, đúng quy định của pháp luật, đặt trong sự giám sát của dân. Chưa bao giờ chúng ta huy động nguồn lực lớn như hiện nay, không chỉ trăm triệu đồng hay vài tỷ đồng mà hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng. Con số rất lớn đó nếu làm không tốt sẽ gây ra những tác hại cực kỳ xấu. Vì vậy, ngoài nhận thức và ý thức cần có, những người trực tiếp triển khai tại cơ sở phải có chuyên môn, am hiểu về quy định, quy trình thực hiện, đặc biệt là các dự án. Do đó, việc nâng cao năng lực quản lý tài chính dự án đầu tư là yêu cầu bắt buộc, trong đó, bí thư, chủ tịch xã kiêm Trưởng Ban quản lý dự án xây dựng NTM xã, kế toán, chủ tịch mặt trận, kể cả các trưởng phòng cấp huyện phải nắm vững quy trình đó.
Vụ Phó Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính Trịnh Nam Tuấn đồng quan điểm về những băn khoăn, lo lắng trong quản lý vốn đầu tư làm sao cho hiệu quả và cho rằng, để không xảy ra những tiêu cực đòi hỏi người thực hiện phải nắm rõ chủ trương, chính sách, cơ chế cũng như phải có sự bàn bạc, giám sát của người dân tại chỗ. Xây dựng NTM là quá trình dài lâu, đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động sáng tạo cũng như cần trang bị kiến thức đầy đủ cho cán bộ cấp huyện, xã.
CÔNG PHIÊN
Theo sggp.org.vn