Sinh hoạt Đoàn ở nông thôn: Nghèo nội dung, yếu chất lượng!
- Thứ ba - 15/07/2014 22:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nghèo nội dung, yếu lực lượng
Đoàn xã Thạch Bằng (Lộc Hà) có hơn 1.000 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), tuy nhiên, trong các đợt sinh hoạt chỉ có hơn 300 ĐVTN tham gia, trong đó có trên 80% đoàn viên là học sinh THPT nghỉ hè và sinh viên vừa ra trường. Theo Phó Bí thư Đoàn xã Thạch Bằng - Phạm Quang Tài thì dù có lực lượng ĐVTN hùng hậu nhưng hầu hết đều đi làm ăn xa nên không thể tập hợp. Chính vì vậy, trong các lần sinh hoạt, chi đoàn chỉ dựa vào lực lượng học sinh THPT và sinh viên vừa ra trường để triển khai các nội dung và phong trào.
Tổ chức Đoàn cơ sở, nhất là khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn trong huy động lực lượng thực hiện các phong trào. |
Đoàn xã Thạch Long (Thạch Hà) có hơn 500 ĐVTN nhưng chỉ tập hợp được chưa đầy 300 ĐVTN. Trong đó, học sinh, sinh viên vẫn là lực lượng chiếm đại đa số, còn hầu hết thanh niên đã rời quê kiếm sống, một số ở nhà lại không tham gia sinh hoạt. Thậm chí, một số chi đoàn chỉ có 3-5 thanh niên nông thôn tham gia sinh hoạt, cá biệt, có chi đoàn không có thanh niên nông thôn nào.
Đây cũng là thực trạng chung của rất nhiều chi đoàn khác ở khu vực nông thôn. Nhiều cán bộ đoàn tỏ ra khá bức xúc trước tình trạng làng vắng bóng thanh niên khiến tổ chức đoàn không tập hợp được lực lượng để hoạt động. Đội ngũ bí thư, phó bí thư chi đoàn ở các thôn xóm không ổn định, vừa thiếu lại vừa yếu về kỹ năng nghiệp vụ cũng như khả năng tổ chức hoạt động và tập hợp ĐVTN. Chính điều này đang khiến chất lượng sinh hoạt đoàn ở nông thôn ngày càng giảm sút.
Anh Trần Đình Khương - Bí thư Đoàn xã Thạch Sơn (Thạch Hà) cho biết: “Do cán bộ đoàn thiếu nên hiện nay, chức danh bí thư, phó bí thư chi đoàn ở nhiều thôn xóm đang do học sinh THPT, sinh viên vừa ra trường đảm nhận. Do không có nhiều thời gian nên họ không thể bám sát, tham mưu cho đoàn những giải pháp cũng như triển khai những quy định, nội dung của đoàn cấp trên. Hơn nữa, chế độ dành cho cán bộ đoàn cơ sở còn khá hạn hẹp khiến nhiều người không nhiệt tình, tâm huyết với phong trào”. Anh Lê Đình Thông - Bí thư Đoàn xã Thạch Long chia sẻ: “Hiện nay, người làm công tác đoàn ở các thôn xóm chủ yếu là vì phong trào, giúp thôn xóm là chính, còn chế độ đãi ngộ thì rất hạn hẹp. Bình quân mỗi tháng chỉ có 157 ngàn đồng phụ cấp cho cả bí thư, phó bí thư và ủy viên BCH. Chính vì vậy, để có cán bộ làm ở các chi đoàn thì phải thường xuyên đi vận động”.
Không có lực lượng nên nhiều chi đoàn khối nông thôn chỉ tập trung hoạt động vào dịp hè hoặc tết khi học sinh được nghỉ, thanh niên nông thôn trở về quê đông. Hoạt động của chi đoàn cũng chủ yếu xoay quanh các phần việc bề nổi như: vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương, giao lưu văn hóa, văn nghệ,...
Nội dung sinh hoạt nghèo nàn cũng là một trong những nhân tố khiến phong trào đoàn ở cơ sở ngày càng đi xuống. Theo Điều lệ Đoàn, mỗi tháng, các chi đoàn phải tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần, tuy nhiên, rất nhiều chi đoàn nông thôn không thực hiện được quy định này do không tập hợp được lực lượng. Trong các buổi sinh hoạt, mở đầu là các tiết mục văn nghệ rồi sau đó là phổ biến, triển khai các chủ đề, nội dung tuyên truyền của huyện đoàn, đoàn xã. Chính việc “hành chính hóa” trong sinh hoạt, không có sự đổi mới về phương thức khiến các buổi sinh hoạt trở nên nhàm chán, không tạo được sức hút đối với ĐVTN.
Ngoài ra, công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên cho Đảng xem xét, kết nạp thiếu tính chủ động, chủ yếu phụ thuộc vào cấp ủy chi bộ. Tại một số cơ sở, việc quản lý sổ sách, theo dõi đoàn viên chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng đoàn viên bỏ sinh hoạt đoàn, không chuyển sinh hoạt còn diễn ra ở nhiều cơ sở đoàn...
Cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở
Thực trạng phong trào đoàn ở khu vực nông thôn có nhiều dấu hiệu đi xuống đã đặt ra yêu cầu cho các cấp bộ đoàn nhanh chóng nắm bắt tình hình để có giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Trao đổi với PV, anh Nguyễn Thế Hoàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: “Hiện nay, Tỉnh đoàn đang khuyến khích, hỗ trợ ĐVTN xây dựng các mô hình, thành lập HTX, tổ hợp tác để phát triển kinh tế. Đây được coi là một trong những hướng đi giúp ĐVTN yên tâm ở lại quê hương lập thân, lập nghiệp. Để tạo sự ổn định, liền mạch của đội ngũ cán bộ đoàn vùng nông thôn, Tỉnh đoàn đang phối hợp với ngành Công an, Y tế, triển khai việc lồng ghép chức danh bí thư chi đoàn với công an viên hoặc y tế thôn xóm. Đây là giải pháp vừa giải quyết được thu nhập cho người làm công tác đoàn, giúp họ yên tâm công tác, vừa tăng thêm sức mạnh cho các hoạt động đoàn tại cơ sở; đồng thời chỉ đạo cơ sở thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề, định hướng sinh hoạt chi đoàn, kịp thời tuyên dương và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay”.
Ngoài ra, do số lượng đoàn viên giảm nên việc đẩy mạnh sinh hoạt đoàn theo hình thức liên chi đoàn được coi là giải pháp hiệu quả. Không hành chính hóa việc sinh hoạt mà cần tập trung vào các hoạt động thực tiễn để tạo sự đổi mới, cuốn hút các ĐVTN tham gia, quan tâm công tác quy hoạch cán bộ đoàn đảm bảo độ tuổi, cán bộ đoàn trưởng thành được chuyển sang đảm nhận nhiệm vụ mới.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, một giải pháp vô cùng quan trọng đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở nhằm giúp tổ chức đoàn thu hút đoàn viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt, đầu tư cho các mô hình kinh tế và đẩy mạnh các phong trào bề nổi. Có như thế, cùng với các giải pháp trên, hoạt động đoàn ở địa bàn nông thôn mới tiến triển.
Hồ Phúc Quang
Nguồn baohatinh.vn