Sức mạnh từ sự đồng thuận

Sức mạnh từ sự đồng thuận
Về diện tích và dân số, xã Triệu Thành chưa lớn bằng một thôn của các xã khác ở vùng đồng bằng huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Song trong công cuộc xây dựng NTM, Triệu Thành hơn hẳn các địa phương khác, vì lòng dân luôn đồng thuận, xứng đáng là quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Chủ tịch UBND xã Triệu Thành Nguyễn Thế Phương cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành được 10/19 tiêu chí xây dựng NTM. Cuối năm nay sẽ hoàn thành thêm 3 tiêu chí nữa. Nhìn lại thời gian sau 2 năm phát động, Triệu Thành đã đạt được nhiều kết quả như mong đợi".

Xã Triệu Thành có diện tích 2,5 km2 với 4 thôn, hơn 4.200 nhân khẩu. Ở Triệu Thành có đến 70% dân số sống bằng kinh doanh dịch vụ - thương mại nên việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn rất cơ động.

Toàn xã chỉ có 47 ha ruộng lúa nhưng do biết đầu tư, thâm canh tăng năng suất nên sản lượng lương thực đủ cung cấp cho nhu cầu người dân địa phương. Nhờ vậy mà số hộ nghèo của xã chiếm tỉ lệ rất thấp, chỉ 14%.


Đường vào 2 thôn Hậu Kiên và Cổ Thành, xã Triệu Thành

Khi được hỏi yếu tố nào làm cho Triệu Thành đạt kết quả tốt như hôm nay, ông Nguyễn Thế Phương không ngần ngại khẳng định: “Nhờ lòng dân đồng thuận. Người dân Triệu Thành một lòng, một dạ tin tương vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên những chủ trương, chính sách mới được ban hành luôn được người dân ở đây tiếp thu, thực hiện".

Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chánh Văn phòng UBND huyện Triệu Phong, cho biết: “Toàn huyện có 4 xã được chọn để xây dựng NTM, trong đó có 1 xã điểm của tỉnh là Triệu Trạch, các xã còn lại là xã điểm của huyện. Trong đó, Triệu Thành là xã đạt được kết quả tốt nhất sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM".

Theo kế hoạch, đến 2015, xã Triệu Thành sẽ hoàn thành công việc xây dựng NTM. Từ nay đến thời gian đó, Triệu Thành cần đến hơn 85 tỉ đồng xây dựng các chương trình dự án. Tuy nhiên, năm 2012 này xã cũng chỉ mới được cấp trên đầu tư hơn 500 triệu đồng, một con số quá nhỏ so với số vốn cần thiết.

Ông Nguyễn Thế Phương cho biết: “Nếu chỉ dựa vào vốn của Nhà nước thì không biết đến khi nào mới làm được NTM. Chúng tôi chủ trương đổi mới tư duy, suy nghĩ, phải vận động bằng mọi cách để sớm hoàn thành công cuộc xây dựng NTM, chứ không thụ động ngồi đợi. Tuy còn một số khó khăn trong công việc xây dựng NTM nhưng Triệu Thành sẽ sớm về đích".

Dựa vào lợi thế là địa phương có đường giao thông thuận lợi, có tỉnh lộ và huyện lộ đi qua, lại ở sát thị xã Quảng Trị nên Triệu Thành chọn hướng phát triển của mình là sản xuất hàng hoá và các hình thức sản xuất có hiệu quả để nâng cao đời sống người dân.

Cụ thể, chú trọng thương mại - dịch vụ để tạo ra đồng tiền lưu thông trên thị trường ngày càng nhiều. Phát triển dịch vụ nông nghiệp với hàng loạt cơ sở cơ khí sữa chữa máy móc nông nghiệp phục vụ cho cả vùng đồng bằng Triệu Phong và củng cố phát triển các nghề truyền thống như: nem, chả, bún, bánh kẹo... nhằm giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế HTX, sản xuất nông sản đi đôi với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Khi người dân có việc làm thì đời sống kinh tế sẽ được nâng cao, cuộc sống bà con được ổn định.