Sức sống mới ở xã nông thôn mới

Sức sống mới ở xã nông thôn mới
Xã Đông Thọ, huyện Yên Phong đã trở thành một điểm sáng nổi bật về chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Ninh.
 

Làng quê Đông Thọ đang đổi mới - Ảnh VGP/Nguyễn Thắng

Việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đã giúp xã có diện tích hơn 500 ha với gần 8.000 nhân khẩu này bừng lên một “sức sống mới”. Đời sống của người dân trở nên sung túc, làng quê trù phú.

 

Về xã Đông Thọ, mọi người có thể dễ dàng thấy con đường liên thôn trải bê tông phẳng lì, rộng thênh thang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, thi thoảng lại bắt gặp vài căn biệt thự sang trọng. Nhiều cơ sở sản xuất ngỗ, xưởng sơ chế tóc xuất khẩu hoạt động tấp nập, hối hả. Tại nhà văn hóa ở các thôn, người dân hăng hái tập luyện thể thao, vui chơi giải trí.

“Xây dựng nông thôn mới đã giúp xã nhà có được sự khởi sắc như hôm nay. Cuộc sống của người dân đầy đủ, hạnh phúc, môi trường trong lành. Làng quê đẹp như mơ”, ông Nguyễn Đăng Kỷ, Bí thư Đảng ủy xã Đông Thọ cho biết.

Nhiều năm trước, Đông Thọ vốn là một xã đông dân, ít ruộng. Người dân quen với cây lúa, củ khoai. Để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống, người làng làm thêm nghề buôn bán phế liệu.

Bước ngoặt đột phá để xã này vươn lên bắt đầu từ khi Đảng có chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Ngay từ năm 2010, xã Đông Thọ đã bắt tay vào việc xây dựng nông thôn mới trước khi được tỉnh chọn làm xã điểm. Công trình đầu tiên mang lại “sức bật” giúp cả xã chuyển mình đi lên là con đường trục chính liên thôn được bê tông hóa, rộng 9 mét với tổng vốn đầu tư là 14 tỷ đồng. Kinh phí làm đường Nhà nước hỗ trợ 70%, còn lại là huy động nguồn lực ở địa phương.

Con đường hoàn thành đã tạo “cú hích” mạnh mẽ để người dân phát triển kinh tế. Hiện, tất cả các tuyến đường trong xã đều được cứng hóa với chiều dài hơn 10 km.

Tiếp theo đó, hệ thống trường học các cấp, nhà văn hóa ở các thôn, công trình nước sạch được triển khai một cách đồng bộ.

Tính đến nay, tổng vốn đầu tư cho các công trình xây dựng nông thôn mới trên toàn xã đã lên đến trên 100 tỷ đổng. Nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng, còn lại là nguồn lực của địa phương.

Cùng với việc đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xã Đông Thọ cũng đặc biệt coi trọng việc tổ chức sản xuất theo hướng chú trọng phát triển công nghiệp, đưa nhiều nghề mới về làng.

Nhằm hiện thực hóa kế hoạch đó, xã đã cho xây dựng một khu công nghiệp rộng 70 ha và có nhiều chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút các nhà đầu tư.

Đến nay, đã có 30 công ty hoạt động trong khu công nghiệp, trong đó có 3 doangh nghiệp nước ngoài. Nhờ vậy, hơn 3.000 lao động địa phương có việc làm.

Tiếng là xã nông nghiệp nhưng số lao động làm ruộng chỉ chiếm 10%, còn lại người dân làm trong khu công nghiệp, dịch vụ và các nghề tiểu thủ công nghiệp.

Sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, xã Đông Thọ đã đạt nhiều kết quả ngoạn mục. Đến nay, xã đã hòan thành 18 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 18,5 triệu đồng. Thâm chí, có một số tiêu chí còn vượt so với yêu cầu của Chính phủ.

Thay đổi cách làm cũ, bừng lên sức sống mới

Bí thư Đảng ủy xã Đông Thọ Nguyễn Đăng Kỷ cho hay, một trong những thành quả lớn nhất mà chương trình nông thôn mới mang lại đó là đã làm thay đổi nếp nghĩ cũ, cách làm cũ của cán bộ, đảng viên và người dân.

 

Người dân thôn An Bình, xã Đông Thọ vui chơi thể thao, giải trí ở nhà văn hóa - Ảnh VGP/Nguyễn Thắng

“Chúng tôi xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ là làm đường, hay nhà văn hóa mà quan trọng là cuộc sống của người dân phải sung túc, hạnh phúc, nếp sống văn hóa, cảnh quang môi trường sạch đẹp”, ông Kỷ nói.

 

Đảng ủy và ủy ban xã nhận thấy, nhiều quy định trước đã trở thành chiếc áo “quá chật” so với tình hình mới của địa phương. Từ đó, những chính sách, chủ trương mới ra đời đã “mở đường” cho sự đổi mởi, phát triển của người dân.

Trên đà đó, bà con trong xã đã nhạy bén tiếp thu nhiều nghề mới, tạo ra giá trị kinh tế cao. Kết quả là nghề mộc và làm tóc xuất khẩu đã được đưa về địa phương, mang lại nguồn thu chính cho người dân, tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động.

Thế mới có chuyện, ở Đông Thọ những nông dân vốn quen với ruộng đồng đã trở thành “triệu phú”.

Như để minh chứng cho điều đó, ông Đỗ Văn Kiên, Trưởng thôn Bình An đưa chúng tôi đi thăm xưởng sơ chế tóc xuất khẩu của anh Đỗ Văn Thụ.

Đến nhà anh Thụ hay đúng hơn là một căn biệt thự sang trọng, gần chục công nhân đang hối hả làm việc, còn mấy vị khách nước ngoài đang chờ nhập hàng.

“Tôi xuất hàng đi gần chục nước trên thế giới như Hàn Quốc, Anh, Đức, Trung Quốc… Trừ chi phí, mỗi năm tôi cũng thu lãi trên 400 triệu đồng”, anh Thụ nói.

Anh Thụ cho biết, trước anh cũng chỉ quen với cái cày, cái cuộc, rồi đi làm nghề buôn phế liệu. Làng xã đổi mới, anh chuyển sang nghề làm tóc xuất khẩu.

“Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, phải để người dân trực tiếp tham gia vào tất cả các khâu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Dám thay đổi lối suy nghĩ cũ, cách làm cũ để làng xã “bừng lên” sức sống mới”, ông Kỷ chia sẻ.

Nguyễn Thắng
Theo  baodientu.chinhphu.vn/