Tái cơ cấu để phát triển bền vững

Nhân dịp đầu xuân mới, PV NNVN có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh xung quanh thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Hà Tĩnh.
Tái cơ cấu để phát triển bền vững
 
Xin ông phác thảo đôi nét về đặc thù nông nghiệp Hà Tĩnh?
 
Hà Tĩnh là tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung bộ, có dân số gần 1,3 triệu người, trong đó trên 84% dân số nông thôn. Là tỉnh có tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp, với trên 121.000 ha đất nông nghiệp, 364.000 ha đất lâm nghiệp, 4.000 ha nuôi trồng thuỷ sản; có bờ biển dài 137 km, hệ thống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản khá đa dạng, phong phú, với nhiều sản phẩm đặc sản, như, bưởi Phúc Trạch, cam Bù Hương Sơn, nhung hươu...
 
Tuy vậy, là vùng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết như lũ lụt, hạn hán, bão nên gặp nhiều khó khăn.
  
Sau khi có chủ trương tái cơ cấu, Hà Tĩnh đã nhập cuộc như thế nào?
 
Hà Tĩnh là địa phương sớm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bắt đầu từ năm 2011 và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giai đoạn 2011-2014 đạt 4,4%/năm, riêng năm 2014 đạt 6,51%, cao gấp 1,9 lần so với bình quân chung cả nước; đến nay đã hình thành mới hơn 5.600 mô hình sản xuất có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, trong đó nhiều mô hình doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm như nuôi tôm trên cát, nuôi lợn siêu nạc, bò thịt chất lượng cao, SX rau củ quả công nghệ cao trên vùng đất cát hoang hóa ven biển, các mô hình trang trại vườn đồi phát huy thế mạnh các sản phẩm đặc sản như cam, bưởi… góp phần quan trọng thực hiện Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới.
 
 Hà Tĩnh đã ban hành đề án của tỉnh với định hướng tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực gắn với khai thác lợi thế so sánh theo 3 vùng sinh thái (miền núi, đồng bằng, ven biển); HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách tái cơ cấu tại Nghị quyết 90, 91, theo hướng hỗ trợ tất cả các khâu của chuỗi sản phẩm từ SX đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhất là hỗ trợ phát triển liên kết SX giữa hộ nông dân quy mô vừa và nhỏ với DN.
 
 Những sản phẩm gì là chính, thưa ông?
 
 Hà Tĩnh định hướng tập trung phát triển mạnh các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế lớn như lợn, bò, hươu, tôm và các loại thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao, rau củ quả công nghệ cao, cam chất lượng cao, bưởi Phúc Trạch. Ngoài ra Hà Tĩnh còn nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực khác, như lúa, lạc, chè, nấm, gia cầm, gỗ nguyên liệu rừng trồng, cao su, thủy hải sản đánh bắt có giá trị kinh tế cao.
 
Những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện chủ trương tái cơ cấu?
 
 Như tôi đã nói ở trên và trong bối cảnh chung của sản xuất nông nghiệp trong cả nước, thì qua thực thực tiễn trong những năm vừa qua, cũng như dự báo trong thời gian tới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Hà Tĩnh gặp những thuận lợi, cũng như khó khăn cơ bản, như sau:
 
Hà Tĩnh là tỉnh sớm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhờ vậy những định hướng và kết quả đạt được trong những năm qua, nhất là về tổ chức lại mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương châm “Doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất, xã hội hóa đầu tư” đấy là tiền đề, định hướng quan trọng cho thực hiện thời gian tới.
 
Cùng với đó, tỉnh đã có sự quan tâm rất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho thực hiện chủ trương này. Nói về kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng nhìn chung chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất theo hướng hiện đại; việc thu hút doanh nghiệp liên kết với người dân phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là quy mô vừa và nhỏ còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp còn ít, đây chính là điểm mấu chốt nhất cần tháo gỡ, nhằm tạo bước đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Hà Tĩnh.
 
Thời gian tới Hà Tĩnh làm gì để đạt được kết quả đúng với lộ trình đề ra?
 
Hà Tĩnh đặt mục tiêu khá cao cho thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng Nông thôn mới, với tốc độ tăng bình quân giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản trên 5%/năm; đến năm 2020, giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích đạt trên 135 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 65 triệu đồng/người/năm, có ít nhất 50% số xã (118/235 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí, 100% số xã đạt 9 tiêu chí thiết yếu, mỗi xã có 30-35% số hộ sản xuất có liên kết với DN.
 
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hà Tĩnh đang tập trung cao chỉ đạo quyết liệt để đưa tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu theo 4 hướng cơ bản đó là:
 
Tiếp tục khuyến khích phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, nhất là các sản phẩm có lợi thế lớn của tỉnh. Tạo chuyển biến rõ nét về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, với quyết tâm tạo bước đột phá về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển đa dạng các loại hình liên kết, trong đó ưu tiên phát triển liên kết giữa DN với hộ nông dân quy mô vừa và nhỏ.
 
Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào SX nông nghiệp, đặc biệt là khâu giống, trong đó ưu tiên cho sản xuất giống lợn, bò, tôm, cá, hươu, lúa, rau củ quả…phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản (khai thác hiệu quả Nhà máy chế biến súc sản Mitraco, xây dựng nhà máy chế biến nhung hươu, hệ thống kho lạnh bảo quản rau củ quả, nhà máy xay xát lúa gạo xuất khẩu, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF...), nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.
 
Thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, theo hướng, vừa ưu tiên phát triển liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất quy mô nhỏ hấp thụ được chính sách nhiều hơn; vừa tập trung khuyến khích tạo bước đột phá về thu hút đầu tư phát triển, mở rộng quy mô, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời với các giải pháp nêu trên, Hà Tĩnh tập trung cao, tăng cường siết chặt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý bảo vệ rừng, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm.
Xin cảm ơn ông!
 
ANH BÌNH
 Theo nongnghiep.vn