Tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 06/12/2017 10:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Văn Tâm, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao giá trị SX nông nghiệp.
Trong trồng trọt, Kiên Giang xác định SX lúa là ngành nghề có lợi thế số một |
Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, phấn đấu nâng cao giá trị SX nông nghiệp, bình quân mỗi ha đạt doanh thu 122 triệu đồng, trong đó giá trị sản lượng bình quân trồng trọt đạt 100 triệu đồng/ha. Đến năm 2030, giá trị bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 170-200 triệu đồng, lĩnh vực trồng trọt từ 140-150 triệu đồng/ha.
Tỉnh đang tập trung xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, dựa trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh vùng, gắn với nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu; áp dụng KH-CN, làm ra sản phẩm có chất lượng cao, hạ giá thành, tăng lợi nhuận và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đồng thời tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Ông Tâm cho biết, các sản phẩm nông nghiệp được tỉnh Kiên Giang xác định là chủ lực và có lợi thế, như lúa gạo, thủy hải sản có giá trị kinh tế cao (tôm, cá, cua, sò…), chăn nuôi gia súc, gia cầm (heo, gà, vịt). Tỉnh cũng xác định 4 tiểu vùng sinh thái gồm: Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng, đảo và hải đảo, mỗi tiểu vùng đều có lợi thế riêng.
Cụ thể, thủy sản là ngành kinh tế chủ lực và là mũi nhọn của tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên. Do đó, cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT vào nuôi trồng thủy sản, chú trọng nuôi tôm tập trung. Mở rộng quy mô và hiệu quả nuôi tôm công nghiệp bằng công nghệ cao. Đối với vùng trồng lúa bấp bênh do ảnh hưởng mặn ven biển, năng suất thấp sẽ chuyển sang canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ tôm (lúa – tôm) để nâng cao giá trị và hiệu quả sử dụng đất.
Tiểu vùng Tây sông Hậu sẽ chú trọng hình thành vùng nguyên liệu trồng lúa cao sản chất lượng cao tập trung 2- 3 vụ/năm phục vụ xuất khẩu, đồng thời phát triển cây ăn quả, rau màu, ổn định diện tích mía, khóm. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, phát triển SX lúa 2 vụ + 1 vụ màu, lúa 2 vụ kết hợp nuôi trồng thủy sản trong mùa lũ, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến.
Nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản với các mô hình lúa – tôm, lúa – cá, nuôi cua dưới tán rừng, phát triển nuôi nhuyễn thể như sò huyết, hến, vẹm xanh ở bãi triều đối với tiểu vùng U Minh Thượng. Tăng cường quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, đẩy nhanh trồng rừng phòng hộ chống sạt lở bờ biển, ứng phói với biến đổi khí hậu. Tiếp tục bảo tồn và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái để phát triển bền vững.
Tiểu vùng đảo và hải đảo tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, khai thác hiệu quả nguồn lợi do biển mang lại, phát triển nuôi thủy sản lồng bè. Quản lý và khai thác tốt các khu bảo tồn biển gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường. Phát triển nông nghiệp chất lượng cao ở những nơi có điều kiện phục vụ khách du lịch, như hồ tiêu, rau màu, hoa, cây cảnh để tạo ra cơ cấu kinh tế gắn du lịch sinh thái - nông nghiệp và dịch vụ biển, đảo.
Đẩy mạnh nuôi tôm nước lợ nhằm nâng cao giá trị thủy sản trong tổng giá trị nông, lâm, thủy sản, góp phần xây dựng NTM |
Tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực nâng cao giá trị gia tăng. Ưu tiên hướng vào phát triển các loại hình tổ chức SX tập trung, đa dạng hóa mô hình liên kết, đảm bảo sản phẩm làm ra gắn chặt với cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản và thị trường. Mỗi sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực hình thành ít nhất một DN mạnh giữ vai trò “đầu kéo”, tạo chuỗi giá trị khép kín từ SX đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Kiên Giang chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị chăn nuôi, rau màu trong nội ngành nông nghiệp, giá trị thủy sản trong tổng giá trị nông, lâm, thủy sản.
Trong trồng trọt, xác định lúa là ngành lợi thế số một. Hướng phát triển chính là ổn định địa bàn, tăng thêm vụ thu đông ở những vùng thích hợp, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 800 ngàn ha, sản lượng trên 5 triệu tấn.
Xây dựng ngành thủy sản thành ngành SX hàng hóa lớn theo hướng hiện đại, hiệu quả cao, có năng lực để tự đầu tư phát triển và đảm bảo giá trị xuất khẩu lớn, tạo nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo, ổn định xã hội và phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là ven biển và hải đảo.
Sản lượng khai thác hải sản đến năm 2020 ổn định ở mức 500 ngàn tấn, trong đó 65% là sản phẩm khai thác xa bờ. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 là trên 211 ngàn ha, trong đó tôm nuôi nước lợ chiếm khoảng 100 ngàn ha.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, tái cơ cấu nông nghiệp vừa là nhiệm vụ vừa là động lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Với mục tiêu cụ thể là từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tăng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM lên 45% (53/118 xã) và xây dựng thêm 3 huyện NTM là Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận, các xã còn lại phải đạt từ 10 tiêu chí trở lên. |