Tam nông Hà Nội đổi thay rõ nét

Tam nông Hà Nội đổi thay rõ nét
Trong vòng 5 năm qua, kể từ khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 7, nông nghiệp, nông thôn ở các khu vực ngoại thành Hà Nội, điển hình như các huyện Phú Xuyên, Thường Tín đã có nhiều đổi thay rõ nét.

 

Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 200 triệu đồng/ha

Báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, sau 5 năm điều chỉnh địa giới hành chính hợp nhất tỉnh Hà Tây vào TP.Hà Nội, nông nghiệp, nông thôn thủ đô đã đạt được nhiều kết quả. Tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản đạt 8.727 tỷ đồng, tăng 18,2% so với năm 2008 và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đạt 37.181 tỷ đồng, tăng 84,6% so với năm 2008. 

Cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp phát triển theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi thủy sản, dịch vụ nông nghiệp; tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp ngày càng giảm. Đặc biệt, giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản năm 2012 đạt 199,2 triệu đồng/ha, tăng 88% so với năm 2008. Nông nghiệp thủ đô đã hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, sản lượng cao và có giá trị kinh tế, như: Vùng hoa Mê Linh, Đông Anh; các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung tại Ba Vì, Ứng Hòa, Phú Xuyên…

Người dân huyện Phú Xuyên chăm sóc rau màu.
Người dân huyện Phú Xuyên chăm sóc rau màu.

Theo Sở NNPTNT Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, hàng năm thành phố đều đầu tư trên dưới 1.000 tỷ đồng cho việc xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Từ nguồn vốn đầu tư của thành phố, đến nay, ngành nông nghiệp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hạ tầng 5 vùng sản xuất RAT tập trung, 27 tuyến kè với chiều dài gần 30km trên các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Bùi…

Ngoại thành ngày càng đổi thay

Tại huyện Phú Xuyên, tổng mức đầu tư trong 5 năm (2008-2013) dành cho nông nghiệp, nông thôn của huyện đạt 1.433 tỷ đồng cho 202 dự án, gấp khoảng 30 lần so với thời kỳ 5 năm trước đó. Về xây dựng NTM, xã điểm Đại Thắng đã đạt 17 tiêu chí; 10 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, còn lại đạt từ 6 đến 9 tiêu chí. 

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái, trong 5 năm qua, khu vực nông thôn đã giải quyết được nhiều việc quan trọng, có trọng tâm, trọng điểm như đầu tư giao thông, thủy lợi; dồn điền đổi thửa để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; hoàn thành quy hoạch cho 401 xã và phê duyệt đề án NTM của 19 huyện... 

Về vấn đề xây dựng NTM, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lưu ý, song song với việc thực hiện tiêu chí của xã điểm cũng cần quan tâm đến những xã còn khó khăn để không tạo ra sự chênh lệch quá lớn; nhắc nhở các địa phương không nên chạy theo thành tích... 

Đánh giá những kết quả mà khu vực nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đã đạt được, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, trong 5 năm qua ngành nông nghiệp và các địa phương ngoại thành Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tốt. 

Bí thư cũng yêu cầu, các cấp, các ngành, nhất là ngành nông nghiệp, các địa phương ngoại thành cần tiếp tục phát huy những mặt đã làm được như thực hiện tốt công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, công nghiệp, làng nghề, du lịch, dịch vụ...