Tăng lương không bù nổi tăng giá
- Thứ hai - 10/09/2012 20:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bên cạnh đó là các vấn đề dư luận quan tâm như kiểm soát hàng hóa tạm nhập tái xuất (TNTX), an toàn ở thuỷ điện Sông Tranh 2, nhập khẩu ôtô, tăng giá điện, than, nước, xăng dầu…
Không có chuyện tăng giá dây chuyền
PV Báo Lao Động đã đặt câu hỏi về hàng loạt mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng ăn uống, dịch vụ... tăng giá theo xăng dầu, điện, nước, gas làm cho thu nhập từ việc tăng lương của người lao động mà Nhà nước mới ban hành không còn tác dụng...
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước giải thích: "Hoạt động thương mại đều công khai minh bạch và luôn theo sát giá cả của thế giới. Hàng hóa nhập khẩu đều có những xử lý của Liên bộ: Tài chính – Công thương theo nguyên tắc kiên định giá thị trường, có sự chỉ đạo của Nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội."
Theo ông Quyền, báo cáo của Tổng cục Thống kê và Tổ điều hành thị trường trong nước và thực tế thị trường thì tháng 8.2012 có sự tăng giá khá bất thường (0,63% so với tháng 7) mặc dù trước đó cả 2 tháng đều tăng trưởng âm liên tiếp. Đây là vấn đề được Bộ Công thương cho rằng “cần phải xem xét một cách sâu sắc hơn”.
Việc tăng chỉ số 0,63% có sự góp mặt của 3 nhóm hàng là thuốc và dịch vụ y tế (tăng 5,44%); vật liệu xây dựng (điện, nước, gas) tăng 2,03%; xăng dầu và giao thông 1,07%. Theo lộ trình điều chỉnh giá thuốc và giá dịch vụ y tế, có 44 địa phương chấp nhận điều chỉnh nhưng trong tháng 8 mới chỉ có 15 địa phương thực hiện.
Thị trường bị kìm hãm… nên tạo sóng
Vụ trưởng Võ Văn Quyền cho rằng: "Lẽ ra nên điều chỉnh theo lộ trình, không nên tăng quá lớn, bởi trước đây thị trường bị kìm hãm, giờ bung ra và đã tạo ra sóng. Cùng với chuyện tăng cầu giải phóng tồn kho, giải cứu DN, Bộ Công thương cũng như các bộ ngành khác đều đã có các gói giải pháp, phân bổ nguồn lực theo thị trường. Theo đó giá cả phải trở thành một vấn đề quan trọng, phản ánh đúng thị trường. Các DN đã được giảm, dãn thuế".
Bộ Công thương cũng đã có những chính sách yêu cầu DN đảm bảo việc làm, lương của người lao động (NLĐ) để giữ chân họ. Việc tăng giá một số mặt hàng như điện, gas, xăng dầu, nước... không ảnh hưởng đến đời sống NLĐ vì hiện chúng ta vẫn đang tiến hành lộ trình tăng lương cho NLĐ.
Tháng 7 vừa qua Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã có tổng kết chương trình bình ổn giá và đang chỉ đạo các địa phương xây dựng chương trình bình ổn giá cho phù hợp, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân...
Lại xin tăng giá xăng 1.000 đồng/lít Vậy là sau 12 ngày kể từ lần tăng giá xăng mới nhất (ngày 28.8) các DN đầu mối xăng dầu tiếp tục nộp hồ sơ lên Bộ Tài chính xin tăng giá bán lẻ xăng lên 1.000đ/lít; tăng giá dầu thêm 1.300 đồng/lít. Việc làm này tuy được làm đúng theo quy trình của Nghị định 84 ban hành, giữa hai lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 10 ngày, khi giá thế giới có xu hướng tăng cao khiến DN bị lỗ thì sẽ gửi đăng ký giá mới lên Cục Quản lý giá. Vấn đề liên quan đến thuế và quỹ bình ổn sẽ do Liên bộ: Tài chính - Công Thương quyết định. Và nếu giá xăng dầu “được” tăng theo đề xuất của DN đầu mối, giá bán lẻ mặt hàng nhiên liệu tại thị trường VN sẽ lập kỷ lục mới. Giá xăng sẽ lên tới 24.650 đồng/lít và dầu diesel có giá tới 23.150 đồng/lít. Trước động thái của các DN đầu mối xăng dầu, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước ngày 10.9 cho biết: Việc điều hành thị trường xăng dầu vẫn nhất quán theo Nghị định 84, trao quyền chủ động cho DN và căn cứ trên theo tình hình giá cả thế giới. Điều hành giá xăng dầu có thể kết hợp hoặc sử dụng nhiều phương án như tăng giá, giảm thuế hoặc trích quỹ bình ổn. “Lần này, liên bộ sẽ cân nhắc cả thuế và bình ổn giá, để làm sao giảm bớt tác động lên đời sống, chia sẻ khó khăn cho DN và người dân. Khi chúng ta khó khăn chia sẻ của Nhà nước càng lớn, Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ điều chỉnh giá” - ông Quyền khẳng định. Công Thắng |