Tập trung xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị tỉnh Hòa Bình cần tập trung nguồn lực chính sách và vật chất xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững ở những vùng khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị tỉnh Hòa Bình tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo ở vùng khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc sinh sống. Ảnh: VGP/Thành Chung
Chiều 26/11, UBND tỉnh Hoà Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2011-2015. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dự và phát biểu tại Hội nghị.

Sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho rằng thành công lớn nhất chính là sự đồng lòng ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân thực hiện các tiêu chí như quy hoạch, phát triển sản xuất, văn hoá, xây dựng hệ thống chính trị.

Đến nay, Hòa Bình đã có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm hơn 16% tổng số xã trên địa bàn), trong đó có 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn hiện đạt 18,2 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 15%, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%, tỉ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 83%.

“Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 58 xã đạt và vượt chỉ tiêu về thu nhập của người dân ở nông thôn. Điều này cho thấy Hòa Bình tập trung đổi mới sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân là công việc chính trong xây dựng nông thôn mới”, ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình cho biết.

Qua phong trào xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, dồn điền đổi thửa, phát triển sản xuất nông sản hàng hoá, phát triển trang trại, đem lại thu nhập cao, ổn định được nhân rộng như: Mô hình trồng rau hữu cơ, chăn nuôi bò sữa, nuôi lợn thương phẩm ở huyện Lương Sơn, mô hình trồng cây có múi ở huyện Lạc Thủy, Cao Phong, hay mô hình nuôi trồng thuỷ sản ở huyện Đà Bắc, Mai Châu..., làm thay đổi bộ mặt nông thôn Hoà Bình trên bước đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới phấn đấu có 40% số xã và ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15,5 tiêu chí và không có xã nào dưới 10 tiêu chí.

 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các xã đã có thành tích xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ảnh: VGP/Thành Chung.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những nỗ lực xây dựng nông thôn mới của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình. Các chỉ tiêu này đều cao hơn mức trung bình của các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ hiện cả nước có 14% tổng số xã và 11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong thành tích chung này có sự đóng góp rất tích cực của tỉnh Hòa Bình.

Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tới năm 2020 của tỉnh Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng sẽ là thách thức không nhỏ đối với chính quyền và nhân dân của tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Hòa Bình tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới, làm cho dân thấy đây là công việc của toàn dân, để nhân dân tự giác tham gia.

Phó Thủ tướng đề nghị toàn tỉnh cần thực hiện hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh, trong đó tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh gắn với thị trường, nhân rộng mô hình sản xuất có giá trị cao. “Đó là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị địa phương lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, tập trung nhân lực, nguồn lực nhằm giảm nghèo nhanh ở vùng khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Qua thực tiễn ở địa phương, tỉnh Hòa Bình cần kiến nghị cơ chế chính sách đặc thù cho khu vực miền núi để Trung ương ban hành chính sách và chỉ đạo thực hiện Chương trình.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị bên cạnh việc thực hiện các chỉ tiêu nông thôn mới chưa đạt, Hòa Bình chú trọng duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Thành Chung/baochinhphu.vn