Thái Bình: Xây dựng nông thôn mới - những cách làm hay từ cơ sở

Thái Bình: Xây dựng nông thôn mới - những cách làm hay từ cơ sở
Thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra
Chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cấp ủy, chính quyền xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình thực hiện tốt trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, các nội dung, chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới đều nhận được sự đồng thuận, tham gia của người dân và hoàn thành sớm so với kế hoạch. Hiện nay, hệ thống đường giao thông nông thôn tới các thôn, ngõ đã được bê tông hóa với chiều dài gần 20km. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, xã hỗ trợ 20 triệu đồng/km, người dân đóng góp một phần kinh phí, ngày công và kiểm tra, giám sát thi công. Hiện 8/8 thôn đã có nhà văn hóa và đạt tiêu chí thôn văn hóa, có nước sạch, hệ thống xử lý rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường; 100% hộ gia đình có điện sử dụng...
 
Để nâng cao đời sống của người dân, Đảng ủy, UBND xã đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, coi trọng phát triển đàn gia súc, gia cầm và trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương cũng coi trọng phát huy thế mạnh về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Các tổ an ninh tự quản tuần tra bảo vệ thôn xóm được thành lập, góp phần duy trì an ninh trật tự trên địa bàn. Các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi đã được thay thế bằng những hình thức theo nếp sống mới. Kinh nghiệm của xã Vũ Trung cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện tốt chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong xây dựng nông thôn mới. 
 
 
Chia sẻ lợi nhuận để tham gia xây dựng nông thôn mới
 
Những năm qua, Nhà máy Xi măng Kiên Lương, Công ty Xi măng Hà Tiên (Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam) luôn tích cực tham gia cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang trong xây dựng nông thôn mới. Nhà máy đã hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống đường, trường, trạm, điển hình như trích một phần lợi nhuận và đóng góp tự nguyện của người lao động ủng hộ 25 tỷ đồng xây mới Trường THPT Giang Thành, huyện Giang Thành; ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn tại một số huyện... Bên cạnh việc đóng góp vào ngân sách của tỉnh, nhà máy luôn quan tâm đầu tư nâng cấp dây chuyền, công nghệ sản xuất nhằm giảm ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, không để ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.
 
 
Một góc thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang
 
Việc Nhà máy Xi măng Kiên Lương chia sẻ lợi nhuận, chung tay với địa phương trong xây dựng nông thôn mới góp phần giúp địa phương nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận. Đây là mô hình tốt cần được nhân rộng.
 
 
Kết quả tích cực từ xây dựng nông thôn mới
 
Là một trong những lá cờ đầu về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Ninh, huyện Tiên Du đã góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội trên quê hương quan họ. Nhờ sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, đến tháng 10-2016, 100% số xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, là điều kiện quan trọng để Tiên Du được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện Tiên Du đang chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ đều tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả ra đời, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt khoảng 42,2 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2% so với tiêu chí mới; tổng sản phẩm tăng bình quân 8,5%/năm; bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc được bảo tồn và phát huy. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh đạt được nhiều thành tựu, đứng trong tốp đầu của tỉnh.

Nguồn: Theo qdnd.vn