Thạch Xuân: Cần tập trung phát triển kinh tế nâng cao thu nhập người dân

Sáng 3/3 đồng chí Võ Kim Cự, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) cùng đại diện một số sở, ban, ngành đi kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình NTM tại xã Thạch Xuân (Thạch Hà).
Thạch Xuân: Cần tập trung phát triển kinh tế nâng cao thu nhập người dân
Là xã bán sơn địa, Thạch Xuân có tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế trang trại, gia trại nông lâm kết hợp.  Nhưng đến nay Thạch Xuân vẫn là 1 xã nghèo, do hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng xuống cấp, sản xuất nông nghiệp khó khăn, năng suất thấp, chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu quy mô hộ gia đình, ngành nghề dịch vụ phát triển chậm ... toàn xã có 42 trang trại và gia trại, trong đó có 16 gia trại lúa – cá - vịt, còn lại là các trang trại nuôi trồng kết hợp trồng rừng nguyên liệu. Đây là những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao được xã tập trung chỉ đạo nhân rộng.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đoàn công tác tham quan mô hình chăn nuôi vịt và cung cấp giống vịt siêu thịt, siêu trứng theo công nghệ mới của gia đình ông Trần Văn Nhị ở xóm Tân Tiến mỗi năm cho thu nhập gần trăm triệu đồng.

Chủ trương xây dựng NTM được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ nhưng do đời sống nhân dân còn khó khăn nên việc huy động nội lực để thực hiện Chương trình còn hạn chế. Qua khảo sát, đánh giá đến nay Thạch Xuân chỉ mới đạt 6/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thạch Xuân trong việc triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Người dân đã biết đổi mới, xây dựng một số mô hình bước đầu có hiệu quả như: mô hình nuôi Nhím, nuôi Dúi, chăn nuôi lợn, ấp trứng, kinh tế trang trại, gia trại và bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa.
Tuy vậy, để đến năm 2020 xã Thạch Xuân về đích NTM, Chủ tịch yêu cầu trong Đề án sản xuất cần bám sát lợi thế để chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, rau củ quả, phát triển chăn nuôi lợn siêu nạc, bò,... xác định cây con chủ lực của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cần ưu tiên phát triển giao thông, thuỷ lợi nội đồng, cần tập trung lồng ghép các chương trình, tạo sức mạnh tổng hợp đầu tư xây dựng NTM;  trong phát triển kinh tế phải hình thành nhiều tổ hợp, HTX, doanh nghiệp để làm đầu mối cung cấp, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá cho nông dân; kêu gọi các tổ chức, con em xa quê, các nhà hảo tâm, đặc biệt phát huy vai trò chủ thể người dân cần trong xây dựng nông thôn mới.
 Bài, ảnh: Ngô Thắng