Thanh Hóa nhân rộng mô hình thôn, bản nông thôn mới

Nhân dân xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa sản xuất tăm, đũa để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Nhân dân xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa sản xuất tăm, đũa để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, với 184 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có tới bảy huyện thuộc Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Với phương châm xây dựng nông thôn mới bền vững, từ năm 2012, tỉnh đã có chủ trương cho các địa phương lựa chọn 128 thôn, bản để chỉ đạo làm điểm xây dựng thôn, bản nông thôn mới.

 

Mô hình thôn, bản nông thôn mới đầu được Thanh Hóa triển khai ở thôn Tôm (xã Ban Công, huyện Bá Thước) với 100% dân số là đồng bào dân tộc Thái, sinh sống hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Đến nay thôn Tôm đã không còn nhà tạm, nhà dột nát, thu nhập bình quân đầu người đạt 14,6 triệu đồng/người/năm.Từ mô hình thôn Tôm, Thanh Hóa tiếp tục nhân rộng ra các thôn, bản trên toàn tỉnh. Hiện nay, với 128 thôn, bản điểm ở Thanh Hóa bình quân đã đạt 8,5 tiêu chí, trong đó có 29 thôn, bản đạt 14 tiêu chí. Theo kế hoạch đến hết năm 2014, với 11 huyện miền núi Thanh Hóa phấn đấu có ít nhất một đến hai bản/huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2015, có 41 xã đạt chuẩn; các xã trong danh sách phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí vào năm 2016, mỗi xã tăng bình quân ba tiêu chí trở lên; các xã còn lại tăng một đến hai tiêu chí...

* Đác Nông tập trung nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nghèo

Trong hai năm 2014 và 2015, tỉnh Đác Nông dành hơn 127 tỷ đồng để hỗ trợ, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chủ yếu là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Với kinh phí này, tỉnh Đác Nông tiến hành hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Tỉnh hỗ trợ đất ở cho 175 hộ với diện tích 3,22 ha; hỗ trợ đất sản xuất cho 4.429 hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, mỗi hộ được cấp từ một đến hai héc-ta; đào tạo nghề cho 334 lao động, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề như: mua nông cụ, máy móc, hỗ trợ kinh phí để sản xuất, hỗ trợ đi xuất khẩu lao động, khoanh nuôi bảo vệ rừng với diện tích khoảng 1.160 ha.

Các chương trình, chính sách dân tộc của tỉnh Đác Nông đã góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở địa phương. Những công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong giao thông, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Tỉnh cũng chú trọng đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thiết chế văn hóa cơ sở và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được đầu tư, bảo tồn và phát triển. Hệ thống bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được mở rộng.

PV và TTXVN
Nguồn nhandan.org.vn