Thị trường nông nghiệp năm 2012: Nhiều thách thức
- Thứ tư - 07/03/2012 10:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông nghiệp có đóng góp tích cực cho nền kinh tế Tại Hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2012, do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) diễn ra ngày 6-7/3, tại Hà Nội, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã cùng nhìn nhận và đánh giá thẳng thắn vai trò của nông nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2011, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại với nhiều bất ổn, lạm phát cao, khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng kém, cán cân thương mại thâm hụt, nhiều doanh nghiệp thua lỗ. Nông nghiệp được coi như cứu cánh của cả nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 4%, tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD (chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu cả nước). Đặc biệt, tại diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos tháng 1/2012, các thành tựu phát triển nông nghiệp của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao và coi đây là điển hình về phát triển nông nghiệp tại các nước đang phát triển. Tăng trưởng trong sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Nói về vai trò của nông nghiệp khi nền kinh tế Việt Nam, tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương- ông Võ Trí Thành nhấn mạnh: Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng, xuất khẩu và cán cân thương mại, nhờ đó, một bộ phận dân cư có đời sống khá hơn. Nông nghiệp đã có công trên cả 3 khía cạnh: chất lượng, hiệu ứng thu nhập và không có cú sốc lớn nào từ ngành tác động đến nền kinh tế. Còn theo tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Viện chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho biết, trong năm 2011, nông nghiệp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 4%. Đây cũng là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng trên 18 tỷ USD và được xem là cứu cánh của toàn nền kinh tế năm 2011. Trong đó, giá trị xuất khẩu là 25 tỷ USD, chiếm 22% kim ngạch cả nước. Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, tất cả sự tăng trưởng ngoạn mục đó phần nhiều nhờ tăng về giá.
Còn nhiều thách thức trong năm 2012 Mặc dù có được những thành tựu rực rỡ, song trong năm 2012, ngành nông nghiệp được dự báo là sẽ đứng trước không ít thách thức. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp (IPSARD), năm 2012 mới là năm được thực sự khó khăn, không chỉ với nền kinh tế mà cả với ngành nông nghiệp. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo chỉ đạt 4,7 đến 6,5% (trung bình khoảng 5,5%), còn nông nghiệp, nhìn từ góc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thì đích ngắm 29 tỷ USD xem ra khó đạt, cần xem xét điều chỉnh. Lý do, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, nếu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 2011 đạt kỷ lục (25 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng đạt 4% và được coi như cứu cánh của nền kinh tế, thì sự tăng trưởng ngoạn mục đó phần nhiều nhờ tăng về giá. Còn năm 2012, khi kinh tế trầm lắng như hiện nay lại xuất hiện những đối thủ mới nổi cạnh tranh thì giá của hàng nông sản trên thế giới hoặc là giảm xuống, hoặc là đi chậm lại vì đà tăng từ giai đoạn 2009-2010 đã quá cao rồi, do đó sẽ xuất khẩu mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ không còn dễ dàng và thuận lợi như trước. Vì thế, Việt Nam muốn tăng tiếp về kim ngạch xuất khẩu, nếu chỉ tăng về chất mà không tăng về lượng thì khó về đích như kế hoạch và cách duy nhất là phải tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết diện tích các cây trồng xuất khẩu chủ lực đã vượt quá so với kế hoạch năm 2020. Cụ thể, diện tích trồng lúa hiện nay là 76,514 triệu ha, song dự kiến đến năm 2020 chỉ còn 7 triệu ha; cà phê, hạt tiêu đều phải lần lượt giảm 200.000 ha và 1.400 ha. Nguy cơ vượt quá kế hoạch có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung và rớt giá ở thời điểm hiện nay. Song, đến năm 2020, khi diện tích đất trồng trọt của mặt hàng xuất khẩu chủ lực bị giảm xuống, nếu không có bước đột phá về kỹ thuật thì khó để đạt được sản lượng cao. Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng chia sẻ, từ trước đến nay, nông nghiệp Việt Nam luôn được đánh giá cao trong lĩnh vực sản xuất với hàm lượng đất đai lớn, nhưng chưa bao giờ thuộc nhóm tiềm năng về áp dụng kỹ thuật. Vì thế, khi diện tích nông nghiệp bị giảm đi thì vấn đề cấp thiết là phải vận dụng khoa học, kỹ thuật để đi sâu vào cải tiến chất lượng. Cũng theo ông Võ Trí Thành, nông nghiệp, nông thôn những năm gần đây luôn được coi là một lĩnh vực hấp dẫn cả dưới góc độ chính sách và nhà đầu tư. Dưới góc độ chính sách, nó hấp dẫn ở chỗ trong khủng hoảng càng thấy nông nghiệp là bước đệm đảm bảo đời sống, an sinh xã hội rất tốt cho cả quốc gia. Nông nghiệp hiện đang được xem như một hình ảnh thu nhỏ đặc trưng nhất cho cách phát triển mới, tức là vừa tạo ra được sản phẩm, tạo ra được giá trị kinh tế nhưng lại rất thân thiện với môi trường, với cộng đồng. Dưới góc độ các nhà đầu tư, so sánh tương đối với nhiều loại hàng hoá và các giá trị khác thì giá sản phẩm nông nghiệp là cao. Song, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam không mấy mặn mà trong việc bỏ tiền ra đầu tư vào ngành này mà họ đổ vốn vào đầu tư bất động sản, chứng khoán... bởi sức hấp dẫn của lợi nhuận kéo những thị trường này. Tuy nhiên, nếu nhìn lại vấn đề người ta sẽ thấy nền kinh tế thực mới là nền tảng phát triển, trong đó nông nghiệp là khu vực hấp dẫn cả hiện tại và tương lai. Đẩy mạnh việc cải thiện công tác dự báo Nếu công tác dự báo thị trường nông sản không được cải thiện, không chỉ ngành nông nghiệp Việt Nam mà cả sự phát triển bền vững của xã hội cũng bị ảnh hưởng sâu sắc. Đó là nhận định chung của hầu hết các chuyên gia tại Hội thảo “Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2012”. Cũng theo các chuyên gia, trong thời gian tới, nông nghiệp vẫn là yếu tố hết sức quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Nền nông nghiệp Việt Nam đã từ giai đoạn phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu hướng tới việc nâng cao hiệu quả, chất lượng và tăng trưởng bền vững. Do đó, công tác phân tích và dự báo thị trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thực tế, trong những năm qua, rất nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản…thường xuyên vấp phải tình trạng được mùa mất giá, nông dân chạy theo tín hiệu thị trường ngắn hạn gây lãng phí lớn cho xã hội. Các nhà đầu tư cũng gặp phải nhiều khó khăn khi tiến hành đầu tư vào các vùng chuyên canh và chế biến nông sản lớn. Do đó, nếu công tác dự báo thị trường nông sản không được cải thiện, không chỉ ngành nông nghiệp Việt Nam mà cả sự phát triển bền vững của xã hội cũng bị ảnh hưởng sâu sắc. Tại Hội thảo các chuyên gia cũng cho biết trong năm 2012, diễn biến thị trường nông sản sẽ có nhiều phức tạp. Trong đó, gạo và chăn nuôi tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực quốc gia và tạo sinh kế cho hàng triệu người dân, nên sản lượng xuất khẩu sẽ giữ ổn định. Những ngành khác như càphê, cao su sẽ khó có thể có cơ hội xuất khẩu được mùa được giá như năm vừa qua… Do đó, việc chủ động có những dự báo chính xác và sớm sẽ là nền tảng để thúc đẩy các mặt hàng nông sản tiếp tục đạt được mức xuất khẩu cao. Bên cạnh việc tăng cường công tác dự báo, các chuyên gia cũng cho rằng để thị trường nông nghiệp tiếp tục có nhiều triển vọng hơn nữa, trong thời gian tới cần đẩy mạnh mối liên kết công tư, nối kết người sản xuất với chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường nông sản trong nước…. |