Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nếu để nông dân nghèo sẽ không có nông thôn mới
- Thứ tư - 01/01/2014 09:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bỏ ruộng, bỏ tàu
Theo thống kê năm 2013, ngành nông nghiệp (NN) có tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,67% thấp hơn so với năm 2012. Trong đó ngành chăn nuôi thấp nhất với 1,4%. Kim ngạch xuất khẩu trong NN đạt 27,5 tỉ USD, tăng 0,7% so với năm 2012. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, sắn, cá tra đã giảm cả về số lượng và giá trị.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, mức tăng trưởng ngành NN đang có xu hướng chậm lại, không bền vững. Các giải pháp tiêu thụ nông sản chỉ có tính ngắn hạn, tình thế đang là điểm nghẽn cản trở sự tăng trưởng chung ngành NN.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cho biết, thu nhập từ trồng lúa thấp khiến người nông dân bỏ đất trống không canh tác hoặc trả ruộng đi tìm sinh kế khác. Trong năm 2013, tỉnh Thanh Hóa có 10.250 hộ bỏ không, trả ruộng đất với diện tích 1.071 ha với nguyên nhân chủ yếu từ thu nhập thấp và diện tích đất xấu, phát triển khu công nghiệp ảnh hưởng đến các công trình tưới tiêu.
Không chỉ nông dân, ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn khi muốn bám biển. Thanh Hóa hiện có 7.543 tàu thuyền nhưng đa số là loại công suất nhỏ chỉ đánh bắt gần bờ và nguồn thủy hải sản đang dần cạn kiệt, có làm cũng không có lãi. Ngư dân có nhu cầu rất lớn về vay vốn để cải hoán, đóng mới nâng công suất tàu thuyền, mở rộng ngư trường. “Nhưng vì không có vốn, nhiều ngư dân đành bỏ không tàu thuyền, không thiết tha bám biển, nếu trụ lại thì chuyển qua làm lao động “chui” trái phép cho tàu cá Trung Quốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn về tính mạng khi không có sự bảo lãnh”, ông Quyền cho biết.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà thẳng thắn, dù Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân, nhưng thực tế, các chính sách này vẫn còn thiếu những công cụ hướng dẫn, triển khai cụ thể khiến ngư dân, doanh nghiệp khai thác thủy hải sản khó tiếp cận vay được vốn từ ngân hàng.
Thu nhập nông dân ngày càng thấp đi
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, NN vẫn khẳng định vai trò làm trụ đỡ cho nền kinh tế, tạo sự ổn định về chính trị xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu hiện tại với 49% lao động trực tiếp làm NN chỉ đóng góp khoảng 19% vào GDP, thu nhập của người làm NN đang ở mức thấp, có khoảng cách ngày càng lớn so với lao động ở ngành nghề khác.
“Tôi rất sốt ruột khi người nông dân VN vốn cần cù một nắng hai sương, chăm chỉ chịu khó lao động nhưng thu nhập đang ngày càng thấp đi”, Thủ tướng bày tỏ. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, ngành NN ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng, thay đổi từ giống mới, quy trình canh tác đến chế biến. Mục tiêu là xây dựng nền NN công nghệ cao, tăng năng suất và giá trị sản phẩm. Chương trình tái cơ cấu NN cần hướng đến kết nối giữa nông hộ và doanh nghiệp, các tổ hợp tác xã… thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, liên kết với nông dân hình thành các chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, chế biến sau thu hoạch, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Phong trào xây dựng nông thôn mới dù đã có bộ tiêu chí tương đối toàn diện nhưng tiêu chí hàng đầu, mục tiêu quan trọng nhất là giúp nông dân tăng thu nhập. Nếu để nông dân còn nghèo, sản xuất không phát triển sẽ không bao giờ có nông thôn mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phan Hậu
Nguồn thanhnien.com.vn