Tiếp tục “đánh thức” nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới

Tiếp tục “đánh thức” nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới
Trên 29 nghìn tỷ đồng đã được giải ngân đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn với khoảng gần 6.000 hạng mục công trình đã được nâng cấp. Đó là một số kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) mà các tỉnh phía Bắc đã đạt được.



Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn – Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 9/2012, các tỉnh phía Bắc đã và đang triển khai xây dựng được trên 4.000 công trình đường giao thông nông thôn với chiều dài 12.000 km, trong đó tỷ lệ ở miền núi phía Bắc khoảng 50%, đồng bằng sông Hồng khoảng 35% và Bắc Trung bộ 15%. Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, nhờ tuyên tuyền, vận động tốt, một số địa phương đã thu hút được nguồn lực xã hội hóa lớn như Hà Tĩnh 166 tỷ đồng, Hà Nội gần 300 tỷ đồng…

Trong 2 năm qua, ngân sách T.Ư đã hỗ trợ cho 30 tỉnh phía Bắc (trừ TP Hà Nội) là 2.054 tỷ đồng. Trong đó năm 2012 là 1.110,3 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2011. Ngoài ra, tính đến hết tháng 8/2012 đã có 21/31 tỉnh bố trí ngân sách địa phương cho chương trình NTM với tổng kinh phí 16.641 tỷ đồng.
“Thực tế triển khai xây dựng NTM cho thấy, trong 2 năm qua nhiều địa phương đã có những cách làm năng động, sáng tạo để huy động nguồn lực xã hội hóa. Đơn cử, như tỉnh Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ 200kg xi măng cùng ống cống và 2 triệu đồng cho mỗi xã. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh này đã xây dựng được 1.046 km đường giao thông nông thôn, đạt 120% so với kế hoạch. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng có chính sách hỗ trợ vật tư, máy móc, thiết bị hoặc cho phép doanh nghiệp ứng vốn làm trước không tính lãi để huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng”, ông Lộc cho hay.
Đối với tiêu chí thủy lợi, các tỉnh đã cải tạo và nâng cấp được gần 1.000 công trình, phục vụ tưới tiêu; đã kiên cố hóa, nạo vét được 7.000km kênh mương, trong đó Hà Tĩnh và Hà Nội là những địa phương điển hình về quan tâm phát triển thủy lợi. Đặc biệt là Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ 20 - 25 triệu đồng/ha để kiến thiết lại đồng ruộng gắn với dồn điền đổi thửa. Ngoài ra nhiều tỉnh cũng đã phát động phong trào dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tiêu biểu như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc...
Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, song tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM tại các tỉnh phía Bắc vẫn còn chậm so với yêu cầu, nhất là công tác quy hoạch và xây dựng đề án. Tính đến nay, vẫn còn 58% số xã chưa được phê duyệt Đề án xây dựng NTM, 36% số xã chưa được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng NTM. Bên cạnh đó, ở một số địa phương xuất hiện tư tưởng chạy theo thành tích, nảy sinh tình trạng “dự án hóa” chương trình xây dựng NTM.
Đặc biệt, theo ông Tăng Minh Lộc, công tác chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, song chưa đạt được như kỳ vọng. Hiện nay ở nhiều nơi, quy hoạch phát triển nông nghiệp chưa gắn với quy hoạch vùng nên sản xuất còn mang tính tự phát, mối liên kết giữa nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Cùng với đó, việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước của các địa phương còn thấp, nguồn lực đầu tư cho xây hạ tầng NTM vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước.
Để tăng thêm nguồn lực xã hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thu hút sự tham gia của các đoàn thể và quần chúng nhân dân.Đồng thời, tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất để tăng nhanh thu nhập cho dân cư nông thôn. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện cho một số xã hoàn thành các tiêu chí trước làm mẫu để rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác./.
Thắng Dũng
Nguồn:ven.vn