Tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới: Vì sao khó thực hiện ?

Tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới: Vì sao khó thực hiện ?
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), có 2 tiêu chí về lĩnh vực văn hóa (tiêu chí số 6 và 16) mà từ nay đến năm 2015, 34 xã được chọn làm điểm phải thực hiện được. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn còn nhiều xã đang vướng mắc chưa tìm được cách giải quyết nhằm đạt chuẩn cho tiêu chí số 6.

 

Trò chơi đẩy gậy được tổ chức tại Trung tâm văn hóa xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu).
Trò chơi đẩy gậy được tổ chức tại Trung tâm văn hóa xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu).

Ông Nguyễn Hồng Ân, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TTDL) cho biết, đến nay, tiêu chí số 16 (xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa và có 98% trở lên tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa) về cơ bản đã được các xã thực hiện tốt.  Riêng tiêu chí số 6 (xây dựng cơ sở vật chất văn hóa) rất khó thực hiện vì vấp phải 3 khó khăn lớn là quỹ đất, vốn đầu tư và nguồn nhân lực. Trong khi đó, xuất phát điểm của các xã được chọn xây dựng làm điểm NTM đều chưa có hệ thống thiết chế văn hóa. Toàn tỉnh mới có một số xã hoàn thành tiêu chí này, gồm: Xuân Định, Xuân Phú, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), Xuân Tân (TX. Long Khánh), Thanh Bình (huyện Trảng Bom) và An Phước (huyện Long Thành).

 

* Thiếu và yếu

 

Ông Mai Văn Thển, Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Thống Nhất bày tỏ: việc thực hiện tiêu chí văn hóa theo đúng tiêu chuẩn của Bộ VH-TT-DL gặp rất nhiều khó khăn. Hiện cả 3 trung tâm văn hóa, thể thao của 3 xã được làm điểm đều chưa đạt chuẩn, các xã chưa xây dựng được nhà văn hóa ấp, mới chỉ vài ấp có văn phòng ấp nhưng còn sơ sài. Trong đó, ở xã Bàu Hàm 2, khó khăn lớn nhất là chưa quy hoạch được quỹ đất vì đang chờ Chính phủ phê duyệt tách địa giới hành chính với thị trấn Dầu Giây. Hơn nữa, theo quy định, thiết chế văn hóa ấp phải nằm trong khu dân cư rộng 500m2. Hiện các xã rất lúng túng vì chưa tìm ra được quỹ đất thích hợp vì nếu xây theo chuẩn sẽ phải sử dụng thêm  diện tích đất ở của nhân dân, khi đó lại nảy sinh việc giải tỏa, đền bù. Bên cạnh đó, về kinh phí, chủ trương là tỉnh chi 40%, huyện chi 40%, 20% còn lại thực hiện xã hội hóa. Như vậy, để hoàn thiện một thiết chế văn hóa ở xã cần ít nhất 5 tỷ đồng, ở ấp cần thêm 1 tỷ đồng nữa để trang bị các thiết bị, trong khi đó, nhân dân của 3 xã điểm Hưng Lộc, Gia Tân 2, Bàu Hàm 2 chủ yếu sống bằng nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, trên địa bàn lại chưa có khu công nghiệp lớn nên việc kêu gọi, vận động gặp rất nhiều khó khăn. Đây quả là một bài toán nan giải đối với chính quyền cơ sở.

 

Tính đến tháng 6- 2012,  Đồng Nai có 7/34 xã (gần 20%) hoàn thành được tiêu chí số 6 đạt tiêu chuẩn của Bộ VH-TTDL. Trong đó, tỷ lệ xã có nhà văn hóa, khu thể thao, trung tâm học tập cộng đồng đạt chuẩn là 16/34 xã, đạt 44%, thấp hơn so với tiêu chí quy định là 56%.

 

Có 7/34 xã đạt chuẩn theo tiêu chí “Ấp có nhà văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng đạt chuẩn”, đạt 35%, thấp hơn so với tiêu chí quy định là 65%.

 

Có 33/34 xã đạt tiêu chí “Xã có từ 70% ấp, bản trở lên đạt chuẩn làng văn hóa theo quy định của bộ”, đạt 97%.

 

(Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tháng 10-2012)

 

Ông  Trần Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) phân trần: Đồi 61 là xã nghèo trong huyện, chúng tôi vẫn chưa có Trung tâm văn hóa xã chứ nói gì đến Nhà văn hóa ấp. Trong 4 ấp thì có 2 ấp là Tân Thịnh, Tân Đạt hầu như không còn quỹ đất. Hơn nữa, xã cũng đã có hướng triển khai thực hiện nhưng nguồn vốn ở trên chưa rót xuống thì chúng tôi chưa thể thực hiện được. Điểm học tập cộng đồng và thông tin khoa học - công nghệ của xã Đồi 61 vẫn là phòng tiếp dân rộng chưa đầy 10m2, chưa có bất kỳ trang thiết bị gì để phục vụ cộng đồng.

 

Về nguồn nhân lực đảm bảo cho hoạt động của các thiết chế văn hóa, hầu hết các địa phương đều gặp khó khi thiếu một đội ngũ cán bộ am hiểu về lĩnh vực văn hóa, có trình độ từ sơ cấp, trung cấp về văn hóa, thể dục, thể thao trở lên.

 

* Cần sự điều chỉnh

 

Sở dĩ các xã của Xuân Lộc sớm đạt được các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới bởi lãnh đạo huyện và các xã đã xác định đây là việc cần kết hợp đầu tư ngân sách Nhà nước với xã hội hóa. Do đó, khi thực hiện các công trình, huyện, xã đã tăng cường nhân lực thực hiện các khâu, như: khảo sát, thẩm định, giám sát, thiết kế mẫu nhà văn hóa ấp và sử dụng nguyên vật liệu tại địa phương với giá cả sát với thực tế đối với từng công trình; kiểm tra sâu sát hàng tuần, nghiêm túc nhằm đảm bảo tiến độ công việc.

Thanh niên nông thôn rất cần được tham gia những hoạt động văn nghệ, thể thao lành mạnh.
Thanh niên nông thôn rất cần được tham gia những hoạt động văn nghệ, thể thao lành mạnh.

Chưa thực hiện được một trong số những hạng mục của tiêu chí số 6 đồng nghĩa với việc xã đó chưa đạt chuẩn về tiêu chí văn hóa. Ông Trần Văn Hồng lo lắng: xã quyết tâm từ nay đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành cơ bản toàn bộ các chỉ tiêu về xây dựng NTM, song việc thực hiện tiêu chí về xây dựng Nhà văn hóa ấp vẫn còn rất nhiều bất cập. Vẫn biết đó là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân, nhưng với quy định về diện tích rộng như vậy e rằng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của xã.

 

Ban chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM của tỉnh cho hay, năm 2012, trong 34 xã điểm sẽ có 12 công trình văn hóa hoàn thành với số vốn đầu tư là 10.684 triệu đồng.

 

Còn ông Mai Văn Thển cho rằng: “Tỉnh cần xem xét lại một số tiêu chí và hạng mục trong việc xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa theo hướng bám sát tình hình thực tiễn của các xã trên địa bàn để điều chỉnh. Bởi như ở Thống Nhất, hiện mới có 30 cán bộ văn hóa cấp huyện, 20 cán bộ văn hóa cấp xã, chưa có cán bộ văn hóa cấp ấp nào đạt tiêu chuẩn của bộ. Đây cũng là một trong những vướng mắc rất lớn của 3 xã điểm”.

 

Cũng theo ông Thển, phương pháp tối ưu để giải quyết bài toán về quỹ đất là sẽ cộng dồn diện tích các hạng mục, như khu thể thao, các công trình phụ trợ với nhà văn hóa ở nhiều nơi khác nhau trên địa bàn xã để đủ chỉ tiêu về diện tích; vận động nhân dân đóng góp tiền và ngày công, tận dụng những thiết chế văn hóa cũ để nâng cấp, bổ sung thêm chứ không thể đập đi xây mới. Huyện cũng sẽ chỉ đạo các xã tích cực thực hiện xây dựng cơ sở vật chất bên trong, nỗ lực phấn đấu hết mình theo lộ trình đến 2015 cơ bản hoàn thành mục tiêu này.

 

* “Để tháo gỡ tận gốc vấn đề về vốn,  bản thân các xã có thể vay ngân hàng, kêu gọi nguồn vốn từ các doanh nghiệp và sự đóng góp của nhân dân. Muốn vậy, mỗi địa phương phải tập trung nguồn vốn để đầu tư xây dựng, không nên đầu tư dàn trải”.

 

(Ông Tô Thành Buông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM  tỉnh).

 

* “Từ khi xã xây dựng Trung tâm văn hóa, đời sống văn hóa của ở địa phương được nâng lên rõ rệt. Xã thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phát quà cho các em thiếu nhi nhân dịp trung thu, lễ, tết. Chiều chiều, thanh niên lại đến chơi thể thao, cầu lông, bóng đá, đọc sách ở điểm học tập cộng đồng. Chúng tôi thỉnh thoảng cũng tham gia các hội thi văn nghệ, thể thao, từ đó thấy tinh thần thoải mái, khỏe mạnh ra”.

 

(Cô Mai Thị Thoa (ngụ xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom)

 

Hạnh Dung

Ngày 28/10/2012 - Theo Báo đồng nai