Tiêu chí xây dựng mô hình quy hoạch Nông thôn mới

Tiêu chí xây dựng mô hình quy hoạch Nông thôn mới
Trong xây dựng mô hình quy hoạch Nông thôn mới, những tiêu chí cần và đủ luôn phải được đặt lên hàng đầu. Tiêu chí khung xây dựng mô hình quy hoạch xây dựng (QHXD) được xây dựng cho tất cả các mô hình QHXD Nông thôn mới trên địa bàn cả nước trong đề án của Viện Nghiên cứu Quy hoạch đô thị đưa ra nhằm đi sát với thực tế xây dựng Nông thôn mới ngày nay.


Cải thiện điều kiện sinh sống của người dân nông thôn, theo hướng giảm sự cách biệt với khu vực đô thị và đảm bảo môi trường sinh thái khu vực nông thôn. 

Tiêu chí khung nhằm định hướng cho việc nghiên cứu mô hình QHXD cũng như công tác nghiên cứu lập QHXD nông thôn nói chung đi đúng hướng xây dựng Nông thôn mới; góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động; hình thành sản xuất hàng hoá lớn trong khu vực nông thôn; cải thiện điều kiện sinh sống của người dân nông thôn theo hướng giảm sự cách biệt với khu vực đô thị và đảm bảo môi trường sinh thái khu vực nông thôn.

Tiêu chí khung xác định trong việc phát triển kinh tế, cần khai thác triệt để các thế mạnh và tiềm năng cho phát triển kinh tế xã (vị trí, đất đai, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông...). Phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, cơ giới hoá, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực trạng, trình độ và tập quán sản xuất trong từng khu vực, phát triển sản xuất gắn với đảm bảo môi trường sinh thái.

Trong phân bố dân cư, tôn trọng hiện trạng dân cũ, tránh di chuyển dân cư cũ không hợp lý. Trường hợp phải di dời dân cư cũ phải có giải pháp rõ ràng và có sự đồng thuận của người dân.

Bố trí dân cư phát triển mới và tái định cư phải phù hợp với loại hình sản xuất (bán kính sản xuất, yêu cầu sản xuất và môi trường). Bố trí dân cư theo hướng tăng điều kiện phục vụ công cộng cho người dân. Tạo điều kiện phát triển kinh tế phi nông nghiệp trong xã và khu vực. Tại các khu vực có yêu cầu về an ninh quốc phòng, bố trí dân cư phải đáp ứng yêu cầu an ninh quốc phòng, hạn chế các ảnh hưởng của thiên tai.

Trung tâm cụm xã được đặt tại khu vực trung tâm xã hoặc khu vực dân cư chính của một trong các xã nằm trong cụm xã. Xã phải có khu trung tâm xã, khu trung tâm xã phải gắn liền với một trong các khu dân cư chính của xã. Tối thiểu 50% số công trình công cộng cơ bản cấp xã được bố trí tại khu trung tâm xã. Đối với các xã có địa bàn lớn, phải tổ chức trung tâm phụ cho các khu dân cư có quy mô tối thiểu 50 hộ và nằm cách xa khu trung tâm xã > 5 km.

Hệ thống công trình công cộng phải bảo đảm bố trí đầy đủ các hạng mục công trình cơ bản của các cấp trung tâm. Quy mô đất đai và quy mô xây dựng đảm bảo đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, đảm bảo yêu cầu phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Hình thức kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên và kiến trúc đặc thù của khu vực.

Về cải tạo và phát triển khu ở, làng xóm, cần xây dựng hình ảnh và tạo lập môi trường sống nông thôn văn minh và phù hợp với phong tục tập quán địa phương trên cả 2 phạm vi không gian công cộng (đường làng ngõ xóm, đình, chùa...) và lô đất ở. Đảm bảo không gian công cộng tiện nghi, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tại các khu vực có giá trị bản sắc văn hoá truyền thống; không bị ô nhiễm môi truờng khu ở, làng xóm; hạn chế khai thác đất canh tác có hiệu quả cao cho phát triển dân cư; đảm bảo yêu cầu phòng chống giảm nhẹ thiên tai.

Về phát triển các khu vực sản xuất, các công trình phục vụ sản xuất cần bố trí các phù hợp với loại hình sản xuất, trình độ sản xuất và đáp ứng theo yêu cầu sản xuất hàng hoá, không gây các tác động tiêu cực tới môi trường khu dân cư.

Trong phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nền xây dựng không phá vỡ nền địa hình tự nhiên và đảm bảo thoát nước, tránh gây úng ngập ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường thôn xóm. Có giải pháp nền và kỹ thuật (đê, kè, taluy...) giảm nhẹ thiên tai cho các khu vực bị ảnh hưởng thiên tai.

Đảm bảo tốt việc thoát nước mưa, không bị úng ngập trong các thôn, xóm (không kể do bị ảnh hưởng thiên tai).

Hệ thống giao thông trong xã phải đáp ứng nhu cầu giao thông thuận tiện cho sinh hoạt và sản xuất của người dân của xã trong thời gian 20 năm tới. Đường trục xã, đường liên thôn phải đảm bảo cho các xe cơ giới tránh nhau dễ dàng. Đường trong thôn xóm phải đảm bảo tối thiểu cho các phương tiện vận chuyển thô sơ (xe bò kéo, xe cải tiến…) lưu thông dễ dàng. Chất lượng đường đảm bảo theo yêu cầu được đặt ra trong Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới.

Đồng thời, phải đảm bảo cấp nước sạch hợp vệ sinh cho nhu cầu sinh hoạt người dân nông thôn theo yêu cầu được đặt ra trong Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới. Giải pháp cấp nước phải phù hợp với điều kiện nguồn nước, kinh tế - xã hội của địa phương.

Tương tự, phải đảm bảo cấp điện theo yêu cầu được đặt ra trong Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới trên cơ sở khai thác đa dạng các khả năng về nguồn điện tại địa phương. Bố trí điện chiếu sáng, tối thiểu có hệ thống điện chiếu sáng cho khu vực trung tâm xã.

Đảm bảo yêu cầu thoát nước thải của địa phương trên cơ sở không làm gây ô nhiễm môi trường do nước thải. Giải pháp thoát nước thải phải phù hợp với điều kiện thực tế, kinh tế - xã hội của địa phương. Tối thiểu thu gom để xử lý 40% lượng nước cấp đối với xã khu vực miền núi; 60% lượng nước cấp đối với xã khu vực trung du; 80% lượng nước cấp đối với xã khu vực đồng bằng.

Có giải pháp thu gom rác thải trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế, kinh tế - xã hội của địa phương. Có nghĩa trang hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường thôn, xóm và môi trường cảnh quan, đáp ứng yêu cầu tiết kiệm đất đai và nhu cầu phát triển lâu dài...
Theo Hạ Ly/bãoaydung.com.vn