Trao "chìa khóa" để mở ra "cánh cửa"
- Thứ hai - 01/07/2013 20:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lực đẩy của “con tàu” nông thôn mới
Buổi sáng, khi buôn làng, nương rẫy như vẫn ngủ vùi trong tấm chăn sương thì tại đầu nguồn dòng suối Đạ Long, mồ hôi đã chảy trên khuôn mặt cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 994 (Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng). Trung úy Tô Tấn Điền, Đại đội trưởng Đại đội Huấn luyện chiến sĩ mới, đang đôn đốc các trung đội khẩn trương nạo vét con đập nhằm kịp cấp nước cho cánh đồng rộng hàng chục héc-ta sắp vào mùa đổ ải. Cách đó vài trăm mét, hàng chục cán bộ, chiến sĩ đang khuân đá xếp thành đập ngăn cho dòng nước dâng cao để chảy sang những thửa ruộng bên cạnh đang khô nẻ vì hạn hán. Ông K’Hang, người dân ở thôn N’Tôn, phấn khởi nói: “Nhà mình có 5 sào ruộng, mấy tháng trời không mưa, suối thì sâu, chẳng biết cách nào chở nước về ruộng. May mà có bộ đội tới giúp, mình vui cái bụng lắm”.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lâm Đồng làm thủy lợi giúp dân. |
Đạ Tông là xã vùng 3, đặc biệt khó khăn. Đầu năm 2012, Đạ Tông được Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng chọn làm điểm thực hiện phong trào thi đua “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Qua một năm thực hiện, sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực. Từ chỗ chỉ đạt 3/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia vào năm 2010, đến nay, Đạ Tông đã đạt 10/19 tiêu chí. Năm 2010, xã có 76% hộ nghèo, đến nay, số hộ nghèo giảm chỉ còn 35%. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 191 hộ trong xã thoát nghèo. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị cơ sở được kiện toàn và hoạt động hiệu quả, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tình hình tôn giáo ổn định, văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ.
Đồng chí Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: "Sự giúp đỡ của LLVT tỉnh là nguồn lực quan trọng thúc đẩy con tàu nông thôn mới của Đạ Tông tăng tốc để sớm về đích".
Giúp dân trở thành chủ thể của phong trào
Trong buổi lao động giúp địa phương sửa chữa một số công trình thủy lợi, Thượng úy Lê Hoa Khương, trợ lý dân vận (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng), tỏ vẻ không hài lòng với một cán bộ địa phương vì đã không huy động người dân tham gia làm cùng bộ đội.
- Đã giúp dân thì cứ chủ động mà làm, tại sao cứ nhất thiết phải có dân làm cùng? - Tôi hỏi.
- Thực ra công việc như thế này chỉ cần cán bộ, chiến sĩ làm cũng xong, nhưng có bà con làm cùng thì chúng tôi có thể hướng dẫn cho họ. Sau này khi không có bộ đội, người dân vẫn tự làm được! - Thượng úy Lê Hoa Khương cho biết.
Vậy là câu chuyện “cho con cá hay cho cái cần câu” khi giúp dân một lần nữa được các cán bộ, chiến sĩ vận dụng một cách sinh động. Đại tá Trần Xuân Quang, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cho rằng: Điều cốt lõi nhất khi thực hiện phong trào thi đua “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” là giúp người dân trở thành chủ thể tự giác của phong trào. Nếu chỉ “cho” và “làm thay” sẽ không đạt hiệu quả. Người dân tại địa phương hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất lạc hậu. Thời gian qua, mặc dù đơn vị đã hỗ trợ địa phương một số việc như xây trường học, nhà tình nghĩa, đào giếng nước, làm đường, cấp cây, con giống... nhưng cũng chỉ giải quyết vấn đề trước mắt. Nếu người dân không thay đổi nếp nghĩ, cách làm thì có cho nhiều hơn thế cũng chẳng đem lại hiệu quả.
Vì vậy, quá trình thực hiện phong trào, bên cạnh hỗ trợ những nhu cầu thiết yếu, trước mắt, đơn vị đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư duy, tập quán sinh hoạt và phương thức sản xuất. Bộ CHQS tỉnh đã giao Đoàn Kinh tế - Quốc phòng tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ nhằm chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ và người dân; thực hiện một số mô hình “trình diễn” như trồng cà phê cao sản, nuôi bò thịt, nuôi gà thả vườn, trồng lúa nước, làm phân vi sinh từ vỏ cà phê để bà con tham quan, học tập; cử cán bộ xuống các gia đình giúp đỡ bà con làm theo; vận động người dân “làm cùng” trong các hoạt động dân vận như xây trường học, đào giếng nước, làm vườn... Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, hỗ trợ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã giúp nhiều hộ gia đình trong xã tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với cách làm "trao chìa khóa" để người dân tự mở ra cánh cửa cho mình, công tác dân vận của LLVT tỉnh đã đạt hiệu quả thiết thực. Có lẽ, đây cũng là kinh nghiệm quý đối với các đơn vị khi thực hiện phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới".
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
Theo qdnd.vn