Triển khai NTM năm 2015: Sửa đổi một số tiêu chí nhưng không hạ thấp

Triển khai NTM năm 2015: Sửa đổi một số tiêu chí nhưng không hạ thấp
“Quan điểm của Ban chỉ đạo là điều chỉnh, bổ sung tiêu chí nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng của các tiêu chí đạt chuẩn để đảm bảo chương trình được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả thực chất” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam (ảnh) – Phó Trưởng ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã khẳng định như vậy với NTNN.
 

Được biết, Ban chỉ đạo đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo chương trình công tác năm 2015 về xây dựng NTM. Xin Thứ trưởng cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình?

 

 
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam.
- Trong năm nay, chúng ta phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có khoảng 20% số xã đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 11 tiêu chí/xã; số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn dưới 5%.
 

Trên cơ sở 6 nhiệm vụ trọng tâm trên, các địa phương sẽ chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc trên từng địa bàn để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ rệt, trong đó ưu tiên cho các xã khó khăn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Đối với những xã đã đạt chuẩn NTM thì cần tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo đạt chuẩn bền vững.

Tại hội nghị mới đây, hầu hết các địa phương đều kêu khó khăn về vốn và đề nghị tăng nguồn lực hỗ trợ. Trong năm nay vốn cho chương trình sẽ được triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?

 

 
Vốn trái phiếu chính phủ sẽ được ưu tiên giải ngân cho các xã nghèo,
đặc biệt khó khăn (trong ảnh: Bộ đội Biên phòng Leng Su Sìn (Mường Nhé, Điện Biên)
tặng bò cho hộ nghèo ở xã Leng Su Sìn).    
  
- Hiện đã có thông báo giao vốn cho Chương trình xây dựng NTM, vì vậy tôi cho rằng vốn sẽ về các địa phương nhanh thôi. Theo đó, dự toán ngân sách nhà nước bố trí cho chương trình (vốn sự nghiệp) là 490 tỷ đồng, bằng với năm 2014, trong đó Bộ NNPTNT là 20 tỷ đồng, các địa phương là 470 tỷ đồng. Căn cứ vào tổng mức vốn trái phiếu chính phủ năm 2015 cho Chương trình xây dựng NTM đã được Quốc hội quyết định, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phân bổ 5.500 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ để thực hiện chương trình.

 

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì nguồn lực bố trí như vậy đã là một sự cố gắng. Rất mừng là tại hội nghị vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề nghị tính toán, bổ sung thêm khoảng 15.000 tỷ đồng cho năm 2015 – 2016 để tạo đà cho chương trình. Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh nào phát triển về xổ số kiến thiết thì chuyển bớt sang cho xây dựng NTM. Như vậy có thể thấy, trong năm nay nguồn lực cho chương trình sẽ mạnh hơn những năm trước.

Mặc dù vốn cho chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, song ở một số nơi lại xảy ra tình trạng sử dụng vốn lãng phí. Thứ trưởng đánh giá thế nào về điều này?

- Năm 2014 là năm đầu tiên chương trình được phân bổ vốn trái phiếu chính phủ, tuy nhiên, việc phân bổ ở một số nơi chưa phù hợp với Quyết định 195 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là ưu tiên cho các xã phấn đấu về đích năm 2015 mà hỗ trợ cho xã nghèo thấp hơn quy định. Nhiều nơi chính quyền địa phương vẫn thiếu quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ tới chương trình, còn “khoán trắng” cho văn phòng điều phối và xã thực hiện; thiếu sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; chưa thực hiện đúng một số văn bản chỉ đạo của T.Ư... Đặc biệt là trong khi nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu thì có nơi sử dụng còn lãng phí, kém hiệu quả, còn trông chờ vào ngân sách.

Vì vậy, Ban chỉ đạo T.Ư đã yêu cầu trong năm nay các địa phương cần thực hiện phân bổ nguồn vốn đúng quy định. Nơi nào làm không đúng thì dứt khoát không giao vốn. Quan điểm của Ban chỉ đạo là giải ngân phải theo đúng hướng dẫn của T.Ư, ưu tiên tập trung cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Đối với các địa phương chưa thực hiện đúng quy định trong năm 2014 thì phải có phương án điều chỉnh phù hợp trong năm nay.

Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, nhiều địa phương đã đề nghị sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí chưa phù hợp. Hiện nay Ban chỉ đạo đã rà soát và có kế hoạch điều chỉnh như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Sau 4 năm thực hiện, mặc dù bộ tiêu chí quốc gia đã được cụ thể hóa, triển khai trên phạm vi cả nước nhưng vẫn bộc lộ một số tiêu chí chưa phù hợp với thực tiễn của các vùng miền, nhất là ở những khu vực miền núi, vùng khó khăn, khiến các địa phương khó thực hiện và đánh giá xã đạt chuẩn. Vì vậy các địa phương đã có kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí như cơ sở vật chất văn hóa, chợ, môi trường (chỉ tiêu về nghĩa trang), điện, nhà ở, giao thông, thủy lợi, y tế...

Qua theo dõi quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương trong 4 năm qua, Bộ NNPTNT đã đề xuất điều chỉnh theo 2 hướng. Trong đó, nhóm tiêu chí “cơ bản” yêu cầu thực hiện bắt buộc ở tất cả các địa phương, gồm 7 tiêu chí là quy hoạch; thu nhập; hộ nghèo; giáo dục; y tế; hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; an ninh, trật tự xã hội. Còn nhóm tiêu chí “vận dụng” thì trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ngành và Ban chỉ đạo T.Ư, các UBND tỉnh, thành phố quy định cụ thể cho phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương mình (gồm 12 tiêu chí còn lại). Tới đây, Ban chỉ đạo T.Ư sẽ tổ chức hội thảo để các bộ, ngành, địa phương tham gia đóng góp ý kiến vào nội dung đề xuất điều chỉnh các tiêu chí nhằm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tuy nhiên, quan điểm của Ban chỉ đạo là điều chỉnh, bổ sung tiêu chí nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng của các tiêu chí đạt chuẩn, để đảm bảo chương trình được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả thực chất cho đời sống nhân dân.

Một trong những giải pháp mà chúng ta hay nhắc tới gần đây là tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với xây dựng NTM. Theo Thứ trưởng, chúng ta cần cụ thể hóa giải pháp này như thế nào?

- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là chủ trương lớn của Chính phủ và đã được Bộ NNPTNT đưa vào nội dung chỉ đạo hàng năm. Thực tế cho thấy, mục tiêu của xây dựng NTM là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; nâng cao dân trí, đào tạo nên những đội ngũ nông dân có trình độ sản xuất cao, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Một xã đạt chuẩn NTM không những có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và hiện đại, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, văn minh, giàu đẹp mà môi trường sinh thái cũng cần được bảo vệ, bản sắc văn hóa được giữ vững…

Nói cách khác, chúng ta triển khai xây dựng NTM chính là “đi tắt đón đầu” không chỉ trong nông nghiệp mà còn tất cả các lĩnh vực khác của đời sống. Vì vậy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với xây dựng NTM và phải được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong đó người nông dân có vai trò chủ đạo để thực hiện thắng lợi tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Minh Huệ
Theo danviet.vn