Từ thụ động đến chủ động

Từ thụ động đến chủ động
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015 có 40% số xã đạt tiêu chí NTM. Thời gian qua, bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, chương trình xây dựng NTM bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Trong chuyến thăm và làm việc tại xã NTM Tây Tựu (Từ Liêm) ngày 4-2 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá, chủ trương xây dựng NTM của Trung ương đã được triển khai thành công, chứng minh được hiệu quả. Hà Nội cần nhân rộng những thành công từ điển hình để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đến bây giờ, Phó Ban dồn điền đổi thửa (DĐĐT) thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Ngọc Đồng vẫn chưa tin vào kết quả khi "dỡ" 54ha nằm ven  tỉnh lộ 131 để chia lại. Bởi mảnh đất "vàng" ấy chuyên canh dưa lê có giá trị thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa. Ai cũng lo sau DĐĐT sẽ  mất đất trồng dưa lê, ruộng không gần đường, vận chuyển nông sản khó khăn. Vậy nhưng chỉ sau 3 tháng, mọi chuyện đã… "đâu vào đấy".
 
Sau dồn điền đổi thửa, nghề trồng hoa ở xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, đạt hiệu quả cao hơn. Ảnh: Bá Hoạt
Sau dồn điền đổi thửa, nghề trồng hoa ở xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, đạt hiệu quả cao hơn. Ảnh: Bá Hoạt

Khó khăn thuở ban đầu

Điều diệu kỳ ở Bắc Thượng bắt đầu từ chuyển biến nhận thức của nhân dân và đội ngũ cán bộ cơ sở, từ thế thụ động sang chủ động. Và trong 3 năm qua, Bắc Thượng cũng như hàng trăm thôn, xóm khác trên địa bàn Hà Nội đã, đang triển khai thành công xây dựng NTM khi đã biết vượt qua khó khăn.

"Khó!"- Đấy là điều mà bất cứ cán    bộ cơ sở nào khi được hỏi về triển khai NTM đều gặp phải. Với thôn Bắc Thượng, người dân vốn quen chuyên canh dưa lê ở xứ đồng dọc đường 131 khá hiệu quả. Vì "đất mặt đường", vận chuyển, giao thương đều thuận lợi. Nay không may trúng thửa không bám mặt đường, hóa ra thiệt. "Vậy nên khi nói đến dồn ruộng, ai cũng "quyết" giữ đất của mình" - Ông Đồng nhớ lại. Trong khi đó, kể lại việc dồn ruộng ở thôn An Vọng,  xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ) ông Trần Quang Huy, Bí thư chi bộ thôn, vẫn không thể quên được 75 ngày đêm mất ăn, mất ngủ, lăn lộn ngoài đồng ruộng với bà con nông dân. Ông Huy cho biết, chỉ trong thời gian 2 tháng rưỡi, thôn đã mở 30 cuộc họp bất kể ngày hay đêm để vận động, thuyết phục người dân.

Như "chia lửa" với những nỗi niềm của các cán bộ cơ sở làm NTM, vừa đi mời dân dự họp triển khai việc làm đường xóm về, thấy phóng viên hỏi về xây dựng NTM, ông Khuất Duy Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Minh Nghĩa, xã Đại Đồng (Thạch Thất) thổ lộ: "Chắc chẳng phải nói nhiều anh chị cũng hiểu. Khó! Họp dân là vấn đề khó, thông thường mỗi năm chỉ họp 4-5 lần trong các buổi tiếp xúc cử tri ấy mà nhiều hộ dân mời đến năm bảy lần vẫn chưa thấy. Nay làm NTM, phải bàn cả chục công việc một lúc rồi lại phải huy động cả sức dân, nói đến công việc đã thấy khó khăn chồng chất rồi".

Thực tế cho thấy những ngày đầu mới bắt tay vào xây dựng NTM, đâu đâu cũng thấy cán bộ, người dân vui mừng. Thậm chí, ở nhiều nơi làng trên, xóm dưới xôn xao chuyện xã này, xã kia được chọn làm điểm xây dựng NTM. Đồng nghĩa với việc sẽ có cả trăm tỷ đồng Nhà nước "rót" về xây dựng hạ tầng, đầu tư vào ruộng mương, đồng áng… Tâm lý coi xây dựng NTM như một "đại dự án" để xin kinh phí của Nhà nước phổ biến   ở nhiều địa phương, trong khi người    dân thì vẫn… đứng ngoài cuộc. Thế rồi những khó khăn dần dần bộc lộ khiến không ít địa phương lúng túng, loay hoay như "gà mắc tóc". Các xã đua nhau thuê tư vấn lập đề án và quy hoạch mà không căn cứ vào thực tiễn hoặc triển khai thiếu hiệu quả. Ngay tại xã Đại Áng (Thanh Trì), một trong những xã điểm của thành phố theo quy hoạch được duyệt, đường giao thông liên thôn 3 tuyến của xã sẽ được mở rộng từ 3-5m thành 5-7m. Tuy nhiên, sau khi được đầu tư 13 tỷ đồng, đường vẫn… nguyên hiện trạng, không mở rộng được, nút cổ chai không thông, cột điện nằm giữa đường chưa di chuyển. 

Xã Đồng Tân (Ứng Hòa) lại lúng túng nên khi mới triển khai đã làm vội vàng không theo sự chỉ đạo của thành phố: Chưa tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM trong nhân dân; chưa công khai, dân chủ bàn bạc, lắng nghe ý kiến của dân… "Lúc xây dựng đề án, xã không triển khai cho dân bàn bạc công việc, đến khi đề án được phê duyệt mới tuyên truyền, thì người dân còn bàn gì nữa". - Ông Ngữ, một người dân thôn Vọng Tân bức xúc. Thậm chí, sau khi triển khai được một thời gian, tại cuộc họp giao ban về xây dựng NTM của Thành ủy hồi tháng 7-2011, sau khi nghe báo cáo về tiến độ xây dựng NTM của huyện Ứng Hòa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã phải gay gắt: "Gần một năm qua mà huyện chưa làm được gì. Vấn đề ở đây là lãnh đạo địa phương đã thực sự vào cuộc hay chưa?". 

Đó là những gì mà cái "thuở ban đầu" của quá trình triển khai chương trình NTM trên địa bàn thành phố gặp phải.

Bước chuyển dài

Đến nay, dù chưa phải 100% địa phương triển khai NTM đều thành công triệt để nhưng thực tế bộ mặt nông thôn đã "thay da đổi thịt" từng ngày. Nói như ông Nguyễn Ngọc Đồng, khó là khi bà con chưa thông thôi. Kinh nghiệm, thôn lấy tuyên truyền làm khâu đột phá, công khai, dân chủ. Với hàng trăm buổi tuyên truyền qua các cuộc họp, qua loa đài, rồi 100% người dân đi họp, đồng tình. Vậy là việc DĐĐT thành công. Bí thư chi bộ thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ) ông Trần Quang Huy lại khoe: "Ở An Vọng, tinh thần tự nguyện xây dựng NTM  được đề cao, người dân đã đóng góp 270 triệu đồng xây dựng nhà thư viện trên 1.000 đầu sách; hiến 3.500m2 đất nông nghiệp xây dựng sân vận động; 400 triệu đồng làm đình chùa và 200 triệu đồng xây nghĩa trang nhân dân; đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa; nơi công cộng đã được xã hội hóa trồng cây xanh văn minh và hiện đại...". Ông Khuất Duy Tâm lại có điều vui khác, vì: "Xóm làng nay khác hẳn. Ai cũng thấy họp là để "bàn việc gia đình" mình nên đi đông đủ lắm. Bí thư chi bộ, cán bộ thôn đã triển khai họp và quan trọng là ai cũng đóng góp ý kiến cởi mở, thẳng thắn. Kể cả chuyện phê bình chi bộ, cán bộ thôn cũng phải nghe. Chuyện bàn bạc được dân chủ. Vậy là hơn 1km đường ngõ xóm, ngoài tiền ủng hộ, mỗi hộ còn góp 10-15 ngày công, nhiều hộ trả lại đất lấn chiếm để làm đường. Ngoài ra, xây dựng giao thông nông thôn, chợ tạm, kè ao với số tiền hàng tỷ đồng, nay đường vào thôn lại có cây xăng, rồi có ao tập bơi cho trẻ em vào mùa hè… Nhìn xóm làng "mới" hẳn ra ấy chứ. - Ông Tâm tấm tắc.

Không chỉ ở cấp cơ sở, thôn, xóm, đến nay, khi về xã Đại Áng, đường liên thôn, giao thông nội đồng, hệ thống mương máng thủy lợi đều được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ... Đó là những thành quả của cả một quá trình "dân vận", "dân biết, dân bàn"… mà có lúc tưởng chừng khó có thể qua được. Đáng chú ý, sau khi bị phê bình, lãnh đạo huyện Ứng Hòa đã quyết liệt vào cuộc. Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Xuyên, huyện đã tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức như trên loa, hội nghị ký kết giao ước thi đua, tập huấn cho cán bộ chủ chốt… về mục đích, ý nghĩa, cách làm NTM. Vậy là chỉ trong thời gian ngắn, đề án xây dựng NTM cấp huyện đã được hoàn thiện và thông qua.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái, 3 năm chưa phải là quãng thời gian dài song đã làm nên những đột phá cho nông thôn Hà Nội với những bước chuyển dài bằng cả chục năm cộng lại.