Ưu tiên doanh nghiệp đào tạo nghề

Sau nhiều lần lấy ý kiến, chiều qua 21/2, dự thảo Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề giai đoạn 2011- 2020 của Bộ LĐ-TB&XH, đã trình Chính phủ xem xét duyệt.

 

Cần đào tạo sinh viên có tay nghề từ trên ghế nhà trường

Theo dự thảo, chất lượng đào tạo nghề mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về tay nghề và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm. Kỹ năng nghề, năng lực nghề nghiệp của lao động VN vẫn còn khoảng cách rộng so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Cơ cấu đào tạo theo trình độ và nghề đào tạo chưa thật hợp lý, chưa tạo động lực đủ mạng để thu hút người học và người dạy nghề. Thêm vào đó, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chuyển đào tạo nghề từ cung sang  cầu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, hiện cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc phát triển dạy nghề. Chưa thiết lập được mối quan hệ liên kết thường xuyên, chặt chẽ và bền vững giữa các DN với cơ sở dạy nghề. DN chưa thấy chính sách nào “ưu ái” trong việc đào tạo nghề nên họ cũng không mặn mà. Trong khi chính sách trong tuyển dụng, tiền lương và môi trường làm việc chưa đủ mạnh để tạo động lực cho người dạy và người lao động giỏi nghề.

Dự thảo đề án khẳng định, chỉ có đổi mới phát triển hệ thống dạy nghề cả bề rộng và chiều sâu, có đủ năng lực đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong SX, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong cả 3 cấp đào tạo (sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề) và dạy nghề thường xuyên thì mới khắc phục những bất cập và hạn chế trên.

 

Mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, khoảng 23,5 triệu người vào năm 2015 và 55% vào năm 2020. Đến năm 2015, có khoảng 190 trường cao đẳng nghề (CĐN), 300 trường Trung cấp nghề (TCN), trong đó 26 trường đạt chất lượng cao (5- 6 trường đạt đẳng cấp quốc tế), 920 trung tâm dạy nghề.
  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:
Phải coi phát triển hệ thống dạy nghề nằm trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia, theo phương châm đào tạo theo yêu cầu của Chính phủ. Đồng thời phải dân chủ hóa đào tạo bằng việc người học và giáo viên giám sát, đánh giá chất lượng của nhau. Cần quy định trách nhiệm và ưu tiên dành cho DN trong việc đào tạo nghề. Đồng thời xác định quốc gia nào có truyền thống đào tạo nghề có chất lượng cao để liên kết trong nhiều năm tới.

Mỗi trường có khả năng đào tạo ít nhất 1 nghề đạt chuẩn quốc gia hay chuẩn khu vực và quốc tế. Sẽ có 3 Trung tâm Kiểm định chất lượng đào tạo tại ba miền. Mục tiêu giai đoạn 2011- 2015 có khoảng 2 triệu người được đánh giá để cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, 6 triệu người trong giai đoạn 2016- 2020 đạt chứng chỉ. 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi kiến nghị,  đột phá của đề án là nâng cao chất lượng và số lượng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề theo chuẩn hóa cấp quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế. Còn giải pháp trọng tâm là xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho tất cả các nghề phổ biến và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo thời kỳ.

Ngoài ra, cũng sẽ phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề theo vùng (mỗi nơi có một trung tâm dạy nghề chất lượng cao). Đồng thời có các cơ sở dạy nghề cho LĐNT, lao động phi chính thức ở thành thị. Song song là một số giải pháp về cơ chế, chính sách phù hợp, giải pháp nâng cao nhận thức về dạy nghề, học nghề…

Theo nongnghiep.vn