Ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực tam nông

Chính phủ tái khẳng định những tháng cuối năm, dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong 2 ngày 2 và 3.7, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 6.2012 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Không điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế...

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế- xã hội thời gian qua cho biết: Tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu có tín hiệu khả quan. Quý II năm 2012, GDP tăng 4,66%, cao hơn quý I, tính chung 6 tháng đầu năm GDP ước tăng 4,38% và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012, hiện tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Theo dự báo, CPI cả năm sẽ chỉ ở mức 5 – 6%. Như vậy, mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, duy trì lạm phát ở một con số hoàn toàn trong tầm tay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định: Trong những tháng cuối năm 2012, quan điểm nhất quán là vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, chưa thay đổi, điều chỉnh bất cứ mục tiêu nào.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo.

Đồng thời tập trung duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 5,2%-5,7%), duy trì tăng trưởng hợp lý nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm lạm phát cao trở lại; không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng tín dụng, giải ngân cho hết số vốn đã bố trí. Ưu tiên tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; thực hành tiết kiệm triệt để, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa.

Rút kinh nghiệm về tăng giá điện

Tại buổi họp báo về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6.2012, trả lời câu hỏi của báo chí về việc tăng giá điện vừa qua ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề sản xuất, quan điểm của Chính phủ ra sao, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết:

Về lâu dài, giá điện sẽ phải đưa về theo đúng cơ chế thị trường có định hướng XHCN. Còn hiện nay, giá điện bán dưới giá thành sản xuất, gây ra nhiều hệ lụy.

“Chúng tôi rất chia sẻ với các DN và một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng giá điện, nhất là trong lúc kinh tế đang khó khăn. Chính phủ kêu gọi DN và nhân dân nhìn vào mục tiêu lớn để cùng nhau nỗ lực.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương và ngành điện rút kinh nghiệm trong việc tăng giá điện khi không làm tốt khâu chuẩn bị và tuyên truyền, làm ảnh hưởng xấu tới tâm lý người dân” - ông Đam cho biết.

Về lo ngại từ nay tới cuối năm, việc Nhà nước phải giải ngân khoảng gần 22.000 tỷ đồng/tháng cho đầu tư xây dựng cơ bản sẽ làm cho lạm phát quay trở lại, cả Bộ trưởng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh đều khẳng định, các con số này đều nằm trong dự liệu từ đầu năm, là kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt và nằm trong mức chấp nhận được.

“Tổng số vốn đầu tư cần giải ngân của năm nay là 180.000 tỷ đồng, nửa năm đã giải ngân được trên 81.000 tỷ, còn phải giải ngân hơn 98.000 tỷ nữa. Tất cả đều đã nằm trong kế hoạch và tính toán của chúng ta”- Thứ trưởng Minh khẳng định.

Về việc Bộ Kế hoạch – Đầu tư trình Chính phủ dự thảo Nghị định 132 sửa đổi liên quan tới vấn đề quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Đam cho biết, dự thảo lần này có một số thay đổi như yêu cầu các DN nhà nước phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành thì phải thoái vốn ngay; Quy định rõ hơn trách nhiệm của bộ chủ quản trong việc định hướng phát triển, về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty...

Theo danviet.vn