Vĩnh Phúc ưu tiên đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn
- Chủ nhật - 17/03/2019 22:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đi dọc những tuyến đường được thảm nhựa, bê-tông hóa chạy qua các làng, xã của huyện Lập Thạch và Sông Lô thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, người đi xa về dễ dàng nhận ra sự thay đổi về hạ tầng giao thông trên quê hương. Chủ tịch UBND huyện Sông Lô Hà Quang Tuyến cho biết: Thời gian qua, huyện Sông Lô có cơ chế hỗ trợ, kích cầu các xã làm đường giao thông nông thôn với mức hỗ trợ 300 triệu đồng/km, cùng với nguồn vốn của doanh nghiệp và vốn huy động trong nhân dân, các tuyến đường giao thông đã cơ bản được kiên cố hóa. Huyện đã làm mới 555 km và nâng cấp, sửa chữa 10 km đường giao thông; toàn huyện có 14 trong số 16 xã có hệ thống giao thông đạt yêu cầu theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Lan tỏa từ chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc tích cực của từng địa phương, giao thông nông thôn ở tỉnh Vĩnh Phúc được chú trọng đầu tư xây dựng. Đến nay, Vĩnh Phúc đã cứng hóa được toàn bộ 493 km đường trục huyện; 1.460 trong số 1.612 km đường trục xã; 1.769 trong số 2.094 km đường trục thôn, ngõ xóm và 795 trong số 1.115 km đường giao thông nội đồng. 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm các xã được nhựa, bê-tông hóa.
Cùng với việc tạo diện mạo mới khang trang, hiện đại cho nông thôn, những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương tỉnh Vĩnh Phúc xác định việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó đã chủ động khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể, tích cực của nông dân, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa nông dân và các thành phần xã hội khác. Đến thăm cơ sở sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP tại xứ đồng Mả Khéo, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên của Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp và Môi trường Vĩnh Hưng do anh Lê Đức Minh làm giám đốc, chúng tôi được anh Minh tâm sự: Nắm bắt được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, công ty đã làm văn bản đề nghị tỉnh hỗ trợ và được tỉnh chấp thuận. Nhờ đó, công ty xây dựng hệ thống nhà lưới sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP. Hiện tại, công ty cung cấp rau quả an toàn cho người dân TP Vĩnh Yên và hệ thống siêu thị K-Mart, VinMart tại Hà Nội. Với doanh thu hơn một tỷ đồng/năm, công ty giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương.
Tại trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Chí Hiệp, tại thôn Tam Hà, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, ông Hiệp vừa chia sẻ: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất, gia đình tôi chuyển từ trồng lúa và cây lâu năm sang nuôi gà. Hiện tại gia đình đang nuôi hơn 2.000 gà giống, 5.000 gà Ai Cập và hơn 18.000 gà siêu trứng, mỗi ngày cho thu hơn 12.000 quả trứng”. Ông Hiệp phân tích, nếu trồng lúa mỗi năm thu nhập chỉ từ 30 đến 50 triệu đồng, lại còn phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ. Chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn, mỗi ngày gia đình thu về khoảng 25 triệu đồng, trừ các chi phí một tháng thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng; tạo việc làm cho bảy lao động thường xuyên, năm lao động thời vụ với thu nhập hơn 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục rà soát lại cơ chế, chính sách sản xuất nông nghiệp, đề xuất cơ chế, chính sách mới nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng. Tập trung xây dựng mô hình nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý; khuyến khích thu hút doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc giàu đẹp, văn minh.