XDNTM ở Hà Tĩnh: Bài học lớn từ thực tiễn
- Chủ nhật - 05/11/2017 21:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những khu dân cư kiểu mẫu ở Hà Tĩnh.
Dấu ấn đậm nét
Thành công đầu tiên trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM ở Hà Tĩnh là sự nhất quán từ chủ trương đến hành động cho nội dung trọng tâm là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tất cả các nguồn lực, từ sự chỉ đạo đến chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh đều tập trung cho xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh (SXKD) hiệu quả.
Chưa bao giờ người dân Hà Tĩnh có được cơ hội lớn về chính sách kích cầu, đồng bộ như thế, từ hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ lãi suất đến việc quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc, đưa chính sách đến tận người dân. Từ đó, các mô hình sản xuất tăng nhanh về số lượng, đảm bảo chất lượng và phát triển đồng đều, đa dạng các loại hình ở nhiều vùng miền; đánh thức tiềm năng đất đai, lao động, trí tuệ và khát vọng ở khắp các miền quê.
Lũy kế từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 14.445 mô hình sản xuất doanh thu từ 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng; thành lập 3.491 tổ hợp tác, 1.186 HTX và 2.059 doanh nghiệp.
Cùng với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn Hà Tĩnh cũng hoàn toàn thay đổi khi các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ra đời. Theo đó, mỗi xã đạt chuẩn NTM phải có ít nhất 1 khu dân cư kiểu mẫu, tất cả các thôn còn lại phải đạt tối thiểu 50%; mỗi xã để đạt NTM kiểu mẫu phải có 100% thôn đạt kiểu mẫu.
Yêu cầu đó đã thúc đẩy nhân dân ở từng địa bàn dân cư tập trung nguồn lực xây dựng nên nhiều miền quê “đáng sống”. Ở đó, kinh tế vườn khởi sắc, hàng rào xanh dịu mát bao quanh từng ngôi nhà; cảnh quan, môi trường cải thiện rõ nét; hạ tầng đường sá, mương thoát nước đồng bộ, các thiết chế văn hóa - thể thao được xây dựng đầy đủ.
Khu dân cư kiểu mẫu - từ sáng tạo riêng của Hà Tĩnh, qua sự đúc kết từ thực tiễn đã được Trung ương áp dụng, trở thành tiêu chí thứ 20 trong Chương trình XDNTM.
Từ tỉnh có điểm xuất phát thấp, điều kiện còn nhiều khó khăn (đầu năm 2011, bình quân chỉ đạt 3,5 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 10 tiêu chí và có đến 183 xã đạt dưới 5 tiêu chí), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của nhân dân, cuối 2016, số tiêu chí bình quân được nâng lên 14,4 tiêu chí/xã, có 82/230 xã (35,6%) đạt chuẩn NTM, không còn xã dưới 9 tiêu chí, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 25 triệu đồng/người/năm. Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 xã miền núi, biên giới đạt chuẩn NTM (Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn), là một trong những tỉnh đầu tiên có 100% số xã hoàn thành quy hoạch XDNTM.
Đúc kết và phát huy bài học quý
Hơn 6 năm cả hệ thống chính trị dồn sức thực hiện Chương trình XDNTM, Hà Tĩnh đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm. Một trong những yếu tố mang tính then chốt, quyết định, được Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn - Trưởng ban Chỉ đạo XDNTM tỉnh chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối NTM các cấp năm 2017 tổ chức tại Hà Tĩnh (tháng 4/2017), là: Tỉnh xác định XDNTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Để đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc thì đồng chí bí thư cấp ủy các cấp phải làm trưởng ban chỉ đạo XDNTM. Song song với công tác lãnh đạo, chỉ đạo là việc ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách bảo đảm vai trò dẫn dắt, tạo động lực mạnh mẽ cho cả người dân và doanh nghiệp; huy động tổng hợp các nguồn lực, công khai, minh bạch và sử dụng đúng quy định, có hiệu quả; trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng...
Khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng là yếu tố căn bản tạo nên thành công của Chương trình XDNTM, Chánh văn phòng Điều phối chương trình, ông Trần Huy Oánh, cho rằng, một trong những bài học lớn của Hà Tĩnh là công tác cán bộ. Nhiều giải pháp đã được triển khai hiệu quả như lấy kết quả đầu ra làm thước đo đánh giá cán bộ; luân chuyển, biệt phái cán bộ về vị trí đứng đầu các địa phương, cơ sở thực hiện XDNTM; huy động tối đa lực lượng cán bộ huyện bám sát từng địa bàn, cùng các xã thực hiện từng tiêu chí cụ thể. Hà Tĩnh đã phát huy cao sự tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát, cụ thể của đội ngũ cán bộ trong XDNTM, nhất là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.
Trưởng ban chỉ đạo XDNTM các cấp mà chúng tôi tiếp xúc lại hết sức tâm đắc với bài học về việc thường xuyên kiểm tra, sâu sát cơ sở. Từ các cuộc làm việc được tổ chức tận thôn, kiểm tra tận hộ, trực tiếp nghe từng người dân nói của Ban chỉ đạo XDNTM cấp tỉnh, càng về sau, các cấp huyện, xã càng có sự chủ động, sáng tạo trong công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các xã. Sự sâu sát đó đã truyền động lực, xúc cảm trong đội ngũ cán bộ xã, thôn xóm; tạo niềm tin để kéo người dân vào cuộc một cách tích cực, tự giác.
“Cũng qua thực hiện Chương trình XDNTM, đội ngũ cán bộ của Hà Tĩnh đã sát thực tế hơn, trăn trở, tâm huyết với cuộc sống ở vùng nông thôn và được gắn bó thường xuyên với nhân dân. Đồng thời, qua đó, dân chủ cơ sở được phát huy, quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện rõ nét, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo XDNTM tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định.
Theo Anh Bình - Bá Tân/kinhtenongthon.com.vn