Xã nông thôn mới kiểu mẫu loay hoay tìm cơ chế
- Thứ tư - 12/07/2017 09:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ba địa phương được UBND tỉnh chọn xây dựng NTM kiểu mẫu gồm: Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), Kim Liên (Nam Đàn) và Sơn Thành (Yên Thành).
Đây là niềm vinh dự, tự hào của mỗi địa phương, tuy nhiên, các xã này đang phải loay hoay tìm nguồn lực để phát triển, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM kiểu mẫu.
Người dân xóm Hội 4, xã Kim Liên (Nam Đàn) phấn khởi, tự hào khi địa phương được tỉnh chọn xây dựng xã NTM kiểu mẫu trên quê hương Bác. Do vậy, bà con sẵn sàng đóng góp công, của để xây dựng xóm làng khang trang hơn. Xóm trưởng Trần Lê Đại hồ hởi: Từ năm 2015 đến nay, tức sau khi xã đạt chuẩn NTM, bà con trong xóm đã đóng góp 500.000 đồng/người để nâng cấp 0,8 km đường nội xóm.
Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là tiêu chí văn hóa vì nhà văn hóa xóm chưa đạt yêu cầu về diện tích khuôn viên, nhà văn hóa lại đang xuống cấp. Do vậy, xã và xóm đã thống nhất phương án chuyển nhà văn hóa xóm đến vị trí khác. Kinh phí để xây dựng nhà văn hóa, theo dự toán khoảng 500 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 50 triệu đồng, xã hỗ trợ 50 triệu đồng và địa phương để lại 100% số tiền đấu giá thửa đất nhà văn hóa cũ (ước khoảng 200 triệu đồng). Còn thiếu khoảng 200 triệu đồng huy động từ nhân dân.
Xóm đã họp bàn nhiều lần, thống nhất 1 hộ đóng góp 2 triệu đồng (xóm có 85 hộ), thiếu bao nhiêu huy động xã hội hóa. Ngoài ra, một số đoạn đường giao thông của xóm chưa được bê tông hóa, bà con sẽ đóng góp để hoàn thiện.
Toàn cảnh xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Sỹ MInh |
Theo ông Trần Lê Chương - Chủ tịch UBND xã Kim Liên, qua khảo sát trên địa bàn xã còn có 20/25 xóm phải nâng cấp, xây mới nhà văn hóa đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Mặc dù nhân dân đóng góp xây dựng, nhưng điều kiện kinh tế của người dân có hạn, do vậy, địa phương cũng phải xoay xở tìm nguồn để hỗ trợ các xóm. Nhìn chung các xóm đã thống nhất mức đóng góp để xây dựng lại nhà văn hóa, xóm nào nâng cấp thì đóng góp 1,5 triệu đồng/hộ, những xóm xây mới đóng góp 2 triệu đồng/hộ.
Tại xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), người dân cũng đang háo hức đóng góp công sức xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Ông Nguyễn Bá Hưng, người dân xóm 4 chia sẻ: Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đóng góp với số tiền 200.000 đồng/người/năm (xóm thống nhất độ tuổi đóng góp từ 1 - 80 tuổi) để chỉnh trang tường bao trên các trục đường xóm và đậy nắp mương kẹp đường. Biết rằng, đóng góp như vậy là nhiều, nhưng đầu tư để làm cho xóm khang trang sạch, đẹp thì ai cũng đồng tình.
Song song với kế hoạch triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Quỳnh Đôi đã tập trung chỉ đạo xây dựng một số công trình như hoàn thành công trình các di tích, xây dựng khuôn viên nhà làm việc của trường mầm non để đảm bảo mức tiêu chuẩn 2 và triển khai các tuyến mương đi các di tích, nhà trực công an xã... tổng trị giá gần 10 tỷ đồng theo tiêu chí NTM kiểu mẫu.
Xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, trong đó tôn tạo toàn bộ giếng làng. Ảnh: Xuân Hoàng |
Theo ông Trần Lê Chương - Chủ tịch UBND xã Kim Liên: Để đạt được tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, địa phương còn phải đầu tư rất nhiều công trình hạ tầng như: 18 km giao thông chưa được nâng cấp, 38 km đường chưa có mương kẹp, 10 tuyến đường nội đồng chưa được cứng hóa, 2 km kênh mương thủy lợi chưa xây dựng kiên cố hóa. Để hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi đó đòi hỏi phải có hàng trăm tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay xã đã xây dựng một số công trình phúc lợi: Trường mầm non, Trạm y tế xã... gần 15 tỷ đồng, nhưng tỉnh mới có chính sách hỗ trợ 1,2 tỷ đồng làm giao thông nội đồng. Đối với cấp huyện, mặc dù đã có nhiều quan tâm địa phương xây dựng NTM kiểu mẫu, nhưng đầu tư chưa được nhiều.
Được biết, UBND đang trình HĐND huyện cho xã Kim Liên hưởng 60% tiền đấu giá đất ở trên địa bàn xã. Nếu được thì đây là chính sách ưu tiên của huyện, tạo điều kiện cho xã có nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu.
Ông Hồ Quang Tuấn - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) cũng cho rằng: Qua 3 năm xây dựng xã NTM kiểu mẫu, tỉnh mới hỗ trợ 1,7 tỷ đồng, so với các công trình địa phương đã xây dựng trị giá hàng chục tỷ đồng là rất ít, do vậy địa phương phải tự xoay xở. Để địa phương về đích xã NTM kiểu mẫu đúng kế hoạch, cùng với nguồn vốn huy động của địa phương, tỉnh cần có chính sách ưu tiên hơn nữa. Từ năm 2017 này, UBND huyện đã có chính sách đầu tư mỗi năm 300 triệu đồng cho xã xây dựng NTM kiểu mẫu.
Mô hình trồng nấm của ông Lê Văn Hạnh - xóm 12 xã Sơn Thành. Ảnh tư liệu |
Xã Sơn Thành (Yên Thành) đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Theo đó, cơ chế đầu tư, từ năm 2015 - 2020 là 250 - 300 tỷ đồng. Trong đó được phân khai các nguồn vốn: Vốn Nhà nước: 90 - 120 tỷ đồng; vốn huy động từ nhân dân 50-60 tỷ đồng; các nguồn vốn khác: 90 - 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Hóa - Bí thư Đảnh ủy xã, trong quá trình tổ chức thực hiện hơn 2 năm, nhưng chưa được Nhà nước đầu tư một đồng nào.
Thực tế cho thấy, 3 xã đang xây dựng NTM kiểu mẫu, nguồn vốn đầu tư xây dựng để nâng cao các tiêu chí chủ yếu là do địa phương tự xoay xở tìm nguồn. Để các địa phương này hoàn thành NTM kiểu mẫu vào năm 2020 như kế hoạch, ngoài sự đóng góp tích cực của người dân, sự huy động bằng các hình thức khác, thì tỉnh cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: 3 xã xây dựng NTM của tỉnh đã có nhiều cố gắng hoàn thiện từng tiêu chí để cố gắng hoàn thành xã NTM kiểu mẫu vào năm 2020, trong đó chủ yếu dựa vào sự đóng góp của người dân. Đến thời điểm này, tỉnh chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với 3 xã tổ chức thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu. Để tạo điều kiện cho các xã xây dựng NTM kiểu mẫu có nguồn vốn đầu tư, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các xã xây dựng NTM kiểu mẫu./.