Xây dựng NTM: Còn nhiều nơi ỷ lại
- Chủ nhật - 02/12/2012 20:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn mới chưa hoàn thiện (Ảnh: Báo CAND)
Để xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn mới, hàng chục người dân tại thôn Thượng Đạt, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất riêng của gia đình mình. Đồng thời mọi người cũng tích cực dỡ bỏ hàng rào, bụi tre để mở rộng con đường từ 2m lên 3,5m theo tiêu chí nông thôn mới.
Tuy nhiên, đã gần một năm trôi qua con đường vẫn chỉ là con đường đất như trước kia. Chính quyền địa phương muốn bê tông hóa nhưng ngân sách xã không có, vận động trong dân từ lâu vẫn không có kết quả.
Ông Lê Hoàng An, Phó Chủ Tịch UBND xã Liên Hòa, cho biết: “Vận động dân hiến đất làm đường tôi nghĩ không khó, nhưng vận động để đóng góp xây đường bê tông rất khó khăn. Chúng tôi chưa thể thực hiện được”.
Sau 2 năm từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, hiện nay xã Liên Hòa mới hoàn thành được 7 tiêu chí. Các tiêu chí được hoàn thành lại là những tiêu chí mà địa phương đã thực hiện được trước nông thôn mới như: Điện, trạm y tế xã, nhà bưu điện, hệ thống chính trị, chỉ có tiêu chí qui hoạch chung là được làm sau này.
Như vậy, có thể nói tiến độ xây dựng nông thôn mới ở xã Liên Hòa đang rất chậm. Thực tế, ngân sách xã khó khăn là một chuyện nhưng cái chính là do sức ỳ trong việc tính toán và cách làm của chính quyền xã.
“Bước đầu xã mới vận động dân hiến đất mở đường, còn huy động dân đóng góp làm đường bê tông phải còn chờ chủ trương của huyện hướng dẫn và chỉ đạo. Sau đó sẽ có cuộc họp nghị quyết chuyên đề mới triển khai đươc”, ông Phạm Đức Cố, Phó Bí thư Đảng ủy xã Liên Hòa, cho biết.
Hơn 2 năm qua, với nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh khoảng 1 tỷ đồng, xã Liên Hòa mới chỉ làm mới được 3km đường giao thông liên thôn và mới triển khai bê tông hóa được 1km giao thông nội đồng.
Cũng theo ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh phúc, nguyên nhân của tình trạng này ngoài yếu tố khó khăn về kinh tế, thì tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước vẫn còn phổ biến, đặc biệt là ở các xã miền núi.
Để mọi người tích cực chủ động trong việc xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để mọi người dân hiểu rõ hơn trong việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng đó là cho mình, và mình sẽ được hưởng thụ chứ không thể ỷ lại tất cả vào nhà nước”.
Cũng theo qui hoạch, xã Liên Hòa sẽ triển khai xây dựng trường mầm non, với tổng kinh phí 1,9 tỉ đồng. Để xây dựng công trình này, nhà nước đã hỗ trợ 1,2 tỉ, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Tuy nhiên, vì không có vốn đối ứng nên công trình đang xây dựng bị dở dang, gần một năm nay vẫn chưa hoàn thiện được.
Những trường hợp như xã Liên Hòa hiện nay không phải là hiếm. Thực tế này cho thấy rằng nếu không có quyết tâm và sự sáng tạo trong cách làm, thụ động cứ trông chờ vào nhà nước thì cái đích của xây dựng nông thôn mới sẽ mãi là chuyện xa vời.
Anh Thư
Theo vtv.vn