Xây dựng NTM ở Bình Dương: Rút ngắn khoảng cách nông thôn - thành thị
- Thứ năm - 18/06/2015 21:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trao đổi với phóng viên Nông Thôn Ngày Nay, ông Trần Văn Nam- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua tỉnh tập trung phát triển theo hướng công nghiệp – dịch vụ. Đến cuối năm 2014, cơ cấu kinh tế của tỉnh về công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp có tỷ trọng tương ứng là 60,8 - 36,2 - 3%. Từ số liệu đó, ông Nam đưa ra nhận xét: “Dù tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm trong cơ cấu kinh tế, nhưng giá trị tuyệt đối ngày càng tăng. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng/năm. Từ nhiều năm qua chúng tôi rất quan tâm phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn, chứ không phải khi xây dựng NTM mới quan tâm”.
Hạ tầng kỹ thuật đi trước một bước
Từ những năm 1998-1999, Bình Dương đã thí điểm xây dựng NTM, nhưng chưa có nhiều tiêu chí cụ thể như bây giờ. Trong quá trình làm, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng. Nên từ năm 1994, Bình Dương đã có 99,9% số xã có điện lưới quốc gia…
Dịch chuyển công nghiệp về nông thôn
Thu nhập người dân, hưởng thụ vật chất, tinh thần của bà con khu vực nông thôn là tiêu chí mà ông Trần Văn Nam cho rằng quan trọng hàng đầu trong xây dựng NTM. Kết quả thành công là làm sao những tiêu chí này ở nông thôn phải ngang bằng với khu vực đô thị. Nhiều năm qua Bình Dương đã quyết tâm thực hiện những quyết sách nhằm đạt cho được những mục tiêu này.
Về nâng mức sống người dân, ông Nam đơn cử như nâng “chất lượng sử dụng điện”. Ví như năm 1999 có 99,9% số người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nhưng chất lượng chưa tốt, thì nay người dân được kéo đồng hồ riêng, không còn dùng chung điện kế tổng. Hoặc xây dựng đường nông thôn, mục tiêu không còn là “cứng hóa”, mà làm theo quy hoạch, bê tông hóa nhựa hóa. Đến nay đã có 85,5% số km đường cấp huyện ở Bình Dương được bê tông hóa, nhựa hóa.
Nhờ phát triển tốt cơ sở hạ tầng đã được xác định từ lâu, nên khi xây dựng NTM, Bình Dương chỉ đặt vào tiêu chí đường rồi nâng lên, từ đó người dân nông thôn đi lại dễ dàng hơn, đời sống văn hóa, tinh thần cũng vì thế mà cũng gần hơn với thành thị.
Thành công nhờ linh hoạt
Kinh nghiệm xây dựng NTM thành công của Bình Dương, theo ông Nam, cách điều hành phải hết sức linh hoạt. Chẳng hạn tiêu chí trường học ở xã NTM phải đạt chuẩn về diện tích, đủ phương tiện. Nhưng ở một số vùng, khi xây trường xong lại thiếu học sinh, nên ở Bình Dương đã quy hoạch không nhất thiết phải xây đồng bộ các hạng mục theo chuẩn đặt ra, mà tính toán theo từng giai đoạn. “Xây dựng sao cho vừa đủ để bảo đảm cho các em học sinh có chỗ học thật tốt, nhưng vẫn đảm bảo kinh phí và tránh lãng phí” - ông Nam nói.
“Tỉnh Bình Dương còn có những giải pháp gì mang tính đột phá cho giai đoạn sắp tới để hoàn thành thắng lợi Chương trình mục tiêu xây dựng NTM vào năm 2020?” Ông Nam cho biết, vấn đề cần quan tâm nhất là cán bộ làm NTM. Để tạo thuận lợi trong thời gian tới, tỉnh đã trình HĐND về chính sách hỗ trợ thêm kinh phí cho cán bộ ấp, xã làm công tác NTM. Tuy nhiên ông Nam vẫn trăn trở, cái khó hiện nay là chuẩn cán bộ trong tiêu chí tuyển dụng, sử dụng. Bởi lẽ cán bộ ở nhiều xã, phần lớn ở tuổi trung niên, còn thay thế bằng lớp trẻ phải có lộ trình, thời điểm.
Vì thế, song song với chính sách hỗ trợ kinh phí, Bình Dương đang tập trung hình thành lớp cán bộ thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng, để từ đó sắp xếp bố trí lại cán bộ phù hợp hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Ông Nam lý giải, xây dựng NTM không phải là hoàn thành các tiêu chí là xong, mà là quá trình tiếp diễn, đạt chuẩn rồi thì vẫn phải cố gắng duy trì, làm sao để đời sống nông thôn ngày càng tốt hơn.