Xây dựng NTM ở Hà Tĩnh: Muốn làm giàu thì phải thay đổi tư duy
- Thứ ba - 05/12/2017 09:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, trước những cách làm mới, rất cần tư duy mới, nhiều nông dân vẫn chưa bắt được nhịp, chưa dám đầu tư để sản xuất hàng hóa lớn, dù đã được chính quyền các cấp cam kết hỗ trợ bao tiêu về nhiều mặt.
Anh Lê Văn Phương (xóm 3, xã Hương Đô, Hương Khê), Phó chủ tịch HTX Long Nhâm - HTX cam Khe Mây bên vườn cam trĩu quả đưa về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
Khi nông dân vẫn… sợ thất bại
Thực hiện phong trào “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đăng ký sản phẩm bí đao và gạo. Trong năm vừa qua, sản phẩm bí đao đã được người dân trồng trên diện rộng, cho năng suất cao, xe vào tận nơi để thu mua khiến người dân rất phấn khởi với hướng đi mới này.
Tuy nhiên, riêng với sản phẩm gạo hiện nay địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) buồn bã cho biết, ban đầu, xã đã vận động hộ ông Nguyễn Thừa Hùng (thôn Đông Vinh, xã Cẩm Bình) là hộ có hệ thống máy xay xát và kinh doanh gạo khá lớn tại địa phương làm cơ sở chính để cùng các thành viên xây dựng hợp tác xã. Lúc đầu gia đình anh Hùng đồng ý thực hiện, nhưng rồi sau đó anh lại tỏ ra không mặn mà để đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, anh Hùng cho biết, hiện tại vào thời gian cao điểm, gia đình anh một tháng xay xát và cho ra được 2000 bì gạo thành phẩm đem xuất bán ra thị trường đưa lại thu nhập khá cho gia đình.
Theo anh, hoạt động sản xuất của gia đình anh hiện tại đang bình thường, dù hiệu quả chưa cao nhưng thu nhập đều. Tuy nhiên, hiện cơ sở của anh đã xuống cấp nếu không có ưu đãi vay vốn, hỗ trợ thêm anh sẽ khó thực hiện.
“Nếu đầu tư xây dựng thương hiệu thì tôi lo nhất vẫn là vấn đề đầu ra. Hơn nữa, sản xuất gạo có một cái dở, khi người dân phơi để ăn thì họ phơi khô và đảm bảo, còn bán cho cơ sở thì phơi qua loa khiến khi xay xát gạo sẽ bị nát, bị hao và không đảm bảo chất lượng. Bây giờ bao bì của chúng tôi chưa có nhãn mác, chứ có nhãn mác rồi lỡ có vấn đề gì thì việc kinh doanh sản xuất của cơ sở chúng tôi sẽ vô cùng khó khăn”, anh Hùng lo lắng.
Những vườn cam bước đầu đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập cao cho người dân xã Hương Đô (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) |
Cùng với tâm lý e ngại trước khi bắt đầu thực hiện việc đầu tư các mô hình sản xuất và với những nỗi lo về thị trường, vốn sản xuất, kỹ thuật… thì người dân cũng e ngại trước thực tế nhiều khó khăn trong sản xuất.
Đã có nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết nuôi lợn được tổ chức thực hiện, nhưng trước biến động của thị trường, giá lợn xuống thấp khiến các mô hình trở nên bấp bênh, hiệu quả chưa cao. Những lúc mất mùa như vụ lúa Thiên Ưu 8 bị bệnh đạo ôn mất trắng vừa qua; lạc, đỗ được mùa thì lại mất giá khiến người dân băn khoăn trước sự bất ổn định của thị trường nếu mình tham gia sản xuất lớn. Hơn nữa, việc liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa hiệu quả, khi sản lượng cao thì doanh nghiệp thu mua giá thấp, khi giá cao thì nông dân phá vỡ liên kết bán ra ngoài… khiến người dân cũng như doanh nghiệp có nhiều lo lắng, chần chừ nếu đầu tư sản xuất.
Quan trọng là ý chí, dám làm giàu
Một trong những yếu tố cốt lõi quyết định thành bại của việc thực hiện chương trình NTM vẫn là ở bản thân người nông dân. Hiện nay, nắm bắt các cơ hội về ưu đãi vay vốn, hỗ trợ của nhà nước, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy làm kinh tế, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn.
Mô hình vườn cam được đầu tư trồng mới ở Hương Khê (Hà Tĩnh) |
Anh Nguyễn Văn Hiệu (thôn Minh Lạc, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), với tấm bằng cử nhân, anh đã về quê làm trang trại chăn nuôi với hàng trăm con lợn - lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Hiện tại, dù giá lợn thấp, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn tin mình sẽ vượt qua giai đoạn này.
Theo anh, muốn làm giàu thì phải thay đổi tư duy mới, hướng ra ngoài để mạnh dạn đầu tư sản xuất. Nếu vẫn giữ tâm lý “sợ”, e ngại, tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ thì không thể phát triển được. “Quan trọng nhất vẫn là ý chí, dám làm giàu”, anh tâm sự.
Anh Lê Văn Phương (xóm 3, xã Hương Đô, Hương Khê), Phó chủ tịch HTX Long Nhâm - HTX cam Khe Mây lớn nhất vùng đã mạnh dạn đầu tư hơn 3 ha cam, liên kết với nhiều hộ dân khác trong vùng để phát triển loại cây đặc sản của địa phương. Cả xã Hương Đô hiện nay có khoảng 200 hộ trồng cam với diện tích 400ha. Trong đó, 250ha diện tích trồng mới, còn 150ha đã cho thu hoạch.
Nhờ đó, đời sống người dân Hương Đô ngày càng được nâng cao. Gia đình anh Phương cũng như nhiều hộ gia đình trồng cam có thu nhập tiền tỷ mỗi năm, hộ thấp nhất cũng khoảng 200 - 300 triệu đồng. Hiện nay anh Phương đang tiếp tục nỗ lực mở rộng diện tích, học hỏi kỹ thuật, hoàn thiện các thủ tục để xây dựng thương hiệu Cam Khê Mây - đưa loại đặc sản này đến được với nhiều người tiêu dùng hơn nữa trong cả nước.
“Dù đã có sẵn những tiềm năng và lợi thế của địa phương, cùng với nhiều ưu đãi về vay vốn, hỗ trợ của nhà nước nhưng nếu mình không biết nắm bắt, không mạnh dạn đầu tư và thật sự say mê với công việc thì khó có thể thành công được”, anh Phương chia sẻ.
Theo Infonet